2.2.1. Khái niệm pháp luật về xúc tiến du lịch
Pháp luật điều chỉnh quan hệ XTDL có nội dung quy định về hoạt động XTDL của nhiều chủ thể, trong đó, các mối quan hệ có những khác biệt, nên khái niệm pháp luật về XTDL được nghiên cứu làm rõ theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.
a. Theo nghĩa rộng
Pháp luật về XTDL là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội hình thành trong quá trình Nhà nước, thương nhân và các tổ chức XTDL thực hiện các biện pháp XTDL. Về hình thức, các quy định pháp luật về XTDL được ghi nhận trong nhiều văn bản, thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, trong đó, chủ yếu là lĩnh vực pháp luật thương mại, du lịch.
* Hoạt động xúc tiến du lịch rất đa dạng và khác nhau về tính chất, có rất nhiều mối quan hệ hình thành giữa các chủ thể, đó là:
– Quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước: Đó là các hoạt động của Chính phủ Việt Nam đàm phán, ký kết hiệp định du lịch với Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế, đàm phán về việc đặt các văn phòng xúc tiến du lịch, văn phòng đại diện du lịch của Việt Nam ở nước ngoài.
– Quan hệ giữa Nhà nước với thương nhân XTDL, với thương nhân kinh doanh dịch vụ XTDL và các tổ chức XTDL: Đó là những quan hệ mang tính chất tổ chức, quản lý, hình thành trong quá trình Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động du lịch nói chung và XTDL nói riêng.
– Quan hệ giữa thương nhân kinh doanh du lịch với khách hàng hoặc khi thương nhân sử dụng các biện pháp XTDL để thông tin, mang lại lợi ích… nhằm tác động đến thái độ và hành vi mua sắm, sử dụng các dịch vụ du lịch của họ; quan hệ với các tổ chức chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ XTDL (phạm vi luận án không đi sâu vào quan hệ này mà chỉ đề cập như minh chứng trong việc thương nhân kinh doanh du lịch tổ chức thực hiện XTDL).
– Quan hệ giữa thương nhân XTDL với nhau để giải quyết các vấn đề lợi ích có liên quan khi xuất hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Các mối quan hệ xã hội trên, về cơ bản thuộc các nhóm chính:
– Nhóm các quan hệ du lịch: Hình thành trên cơ sở sự thoả thuận, cam kết giữa các chủ thể làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ cung ứng dịch vụ du lịch (hợp đồng).
– Nhóm quan hệ giữa các quốc gia tạo thị trường kết nối du lịch quốc tế (điều ước quốc tế).
– Nhóm quan hệ tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch: Hình thành giữa Nhà nước (cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước) với thương nhân và các tổ chức XTDL; có bản chất là quan hệ hành chính.
* Xét về nội dung cơ bản của các quy phạm pháp luật, các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ xúc tiến du lịch trên có thể phân chia thành ba nhóm chính:
– Các quy định ghi nhận quyền tự do hoạt động XTDL của thương nhân: Bao gồm các nội dung quy định về các hình thức pháp lý để thương nhân
XTDL, cách thức thực hiện các hoạt động XTDL, các quy định liên quan đến cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động XTDL, các quy định về quyền lựa chọn dịch vụ XTDL để kinh doanh của thương nhân.
– Các quy định pháp luật bảo đảm thực thi quyền tự do hoạt động XTDL phù hợp với lợi ích của nhà nước, của thương nhân khác và của người tiêu dùng: Bao gồm các nội dung chủ yếu quy định về quản lý nhà nước trong hoạt động XTDL: Bao gồm các quy định về thẩm quyền quản lý Nhà nước (của Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan quản lý ở địa phương), quy định về trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động XTDL mà thương nhân phải thực hiện, quy định về giám sát, kiểm tra hoạt động XTDL của thương nhân, xử lý vi phạm pháp luật về XTDL, quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực thi quyền tự do hoạt động XTDL.
– Các quy định pháp luật quốc tế có liên quan đến XTDL của Nhà nước và các tổ chức XTDL của Nhà nước cũng như chính sách pháp luật mở cửa thị trường du lịch của các quốc gia.
Qua nghiên cứu, có thể thấy đối tượng điều chỉnh của pháp luật về XTDL theo nghĩa rộng rất đa dạng, bao gồm các quan hệ kinh tế – xã hội diễn ra giữa các Nhà nước, giữa các thương nhân với nhau, giữa thương nhân với khách hàng, giữa thương nhân với cơ quan quản lý nhà nước và nhiều chủ thể có liên quan khác. Đây là một chế định pháp luật, bao gồm các quy phạm được quy định trong nhiều ngành pháp luật khác nhau như: Luật Thương mại, Luật Du lịch, Luật Dân sự, Luật Quốc tế…
Vì vậy, có thể định nghĩa pháp luật về XTDL theo nghĩa rộng: Là tổng hợp các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ du lịch và tổ chức, quản lý hoạt động du lịch hình thành trong quá trình Nhà nước, thương nhân và các tổ chức xúc tiến du lịch thực hiện các biện pháp xúc tiến du lịch.
b. Theo nghĩa hẹp
Pháp luật về XTDL được tiếp cận với tư cách là một bộ phận của pháp luật thương mại, pháp luật du lịch điều chỉnh các quan hệ thương mại của các
thương nhân kinh doanh du lịch phát sinh trong quá trình XTDL của thương nhân khi tiến hành các hành vi XTDL cụ thể như phần trên đã phân tích.
Chủ thể của những quan hệ này là thương nhân hoạt động XTDL, họ phải thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, pháp luật về XTDL theo nghĩa hẹp được tiếp cận là một bộ phận của pháp luật thương mại, pháp luật du lịch, chỉ bao gồm các quy định điều chỉnh các quan hệ du lịch phát sinh trong quá trình XTDL của thương nhân.
* Các quan hệ du lịch trong hoạt động các thương nhân kinh doanh du lịch có đặc điểm:
– (i) Chủ thể tham gia chủ yếu là thương nhân, trong đó có thể một bên chủ thể tham gia không phải là thương nhân mà chỉ là tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch.
– (ii) Lĩnh vực phát sinh chủ yếu là quá trình thương nhân thực hiện các hoạt động XTDL.
– (iii) Có tính chất kinh doanh dịch vụ chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức hợp đồng.
* Có thể thấy, theo nghĩa hẹp, pháp luật về XTDL điều chỉnh các quan hệ:
– Quan hệ thương mại trong lĩnh vực du lịch hình thành khi thương nhân tự mình tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch thông qua các biện pháp thông tin, tiếp thị hoặc dành lợi ích cho khách hàng để tác động tới thái độ và hành vi mua bán của khách hàng.
– Quan hệ sử dụng dịch vụ hình thành giữa thương nhân có nhu cầu XTDL với thương nhân kinh doanh dịch vụ XTDL hoặc tổ chức XTDL có khả năng cung cấp dịch vụ (không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án).
– Quan hệ giữa thương nhân XTDL với người tiêu dùng, với chủ phương tiện thông tin trên cơ sở đảm bảo tính lành mạnh của hành vi cạnh tranh trong quá trình XTDL của thương nhân.
Vì vậy, có thể định nghĩa pháp luật về xúc tiến du lịch theo nghĩa hẹp: Là tổng hợp các nguyên tắc, quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ thương mại
khi thương nhân kinh doanh du lịch tiến hành các hành vi xúc tiến du lịch hình thành trong quá trình tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán, cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch thông qua các biện pháp thông tin, tiếp thị hoặc dành lợi ích cho khách hàng để tác động tới thái độ và hành vi mua sắm sản phẩm dịch vụ du lịch của khách hàng.
Pháp luật về XTDL theo nghĩa hẹp đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do hoạt động XTDL của thương nhân, bảo vệ lợi ích của thương nhân XTDL, lợi ích của thương nhân khác, lợi ích của người tiêu dùng và cả lợi ích của Nhà nước. Hiện nay, các quy định pháp luật này chủ yếu được ghi nhận trong Luật Thương mại năm 2005, Luật Du lịch năm 2017, Luật Cạnh tranh năm 2018, Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
Phạm vi luận án tiếp cận pháp luật điều chỉnh hành vi XTDL của thương nhân kinh doanh du lịch theo nghĩa hẹp.
2.2.2. Nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với xúc tiến du lịch
Pháp luật về XTDL sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động marketing du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Đây là cơ sở cho các hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam quảng bá, tuyên truyền, tổ chức hội chợ và triển lãm các sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng của mình nhằm thu hút khách tới và quay lại các khu, điểm du lịch ở Việt Nam, từ đó nâng cao thị phần tại các thị trường mục tiêu mà Việt Nam hướng tới. Thông qua hoạt động XTDL của các doanh nghiệp, Việt Nam được nhận diện là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong cảm nhận của khách du lịch quốc tế, từ đó tạo tác động tích cực đối với thị trường khách quốc tế nói chung.
Trên phương diện thương mại, hoạt động XTDL của thương nhân chỉ thực sự hình thành trong nền kinh tế thị trường, khi mà có nhiều chủ thể kinh doanh cùng có khả năng cung cấp những sản phẩm dịch vụ du lịch giống hoặc gần giống nhau; ngược lại, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình.
Hiện nay, các hoạt động kinh doanh du lịch đã và đang ngày càng phát triển về loại hình, số lượng, tần suất, và mức độ. Để cạnh tranh, giành giật thị phần khách hàng trên thị trường, các doanh nghiệp trong và liên quan tới lĩnh vực du lịch đã chú trọng nhiều hơn tới hoạt động XTDL, mà cụ thể là hoạt động khuyến mại; quảng cáo; giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch; hội chợ, triển lãm, du lịch. Tuy nhiên, vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận, thương nhân XTDL có thể bất chấp lợi ích quốc gia, lợi ích của thương nhân khác và của cả người tiêu dùng. Trong nhiều trường hợp, hoạt động XTDL không chỉ quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch hay uy tín của thương nhân mà còn biểu hiện rõ nét về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Trong lĩnh vực du lịch, vấn đề này lại càng nhức nhối và nổi cộm. Do vậy, thiệt hại mà quốc gia có thể phải gánh chịu do hoạt động XTDL của thương nhân có thể được thể hiện dưới góc độ kinh tế, chính trị, văn hóa… Đối với thương nhân là đối thủ cạnh tranh, lợi ích cạnh tranh của họ bị đe dọa bởi những hành vi XTDL không lành mạnh nhằm mở rộng thị phần. Về phần người tiêu dùng, họ có thể phải gánh chịu thiệt hại do hành vi lừa dối, gian lận, cố tình gây nhầm lẫn của thương nhân trong hoạt động XTDL.
Để có thể tối đa hóa hiệu quả của XTDL với tính chất là một mắt xích trong toàn bộ “dây chuyền” cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch thì nhu cầu pháp luật điều chỉnh hoạt động này cần luôn hiện hữu. Cơ sở hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch và cụ thể là điều kiện tiên quyết để các hoạt động XTDL của doanh nghiệp du lịch diễn ra một cách suôn sẻ và có trật tự, đồng thời cũng là cách thức bảo vệ lợi ích của người mua và sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch nói chung.
Trong điều kiện đó, thực tế đòi hỏi phải có một hành lang pháp lý vững chắc để điều chỉnh hoạt động XTDL, đưa các hoạt động xúc tiến này vào khuôn khổ, tạo ra một trật tự cần thiết để các chủ thể liên quan có thể dự liệu được hành vi và hệ quả hành vi của mình. Thông qua công cụ pháp luật, ba mục tiêu lớn được bảo đảm:
– Thứ nhất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của thương nhân trong đó có hoạt động XTDL mà pháp luật ghi nhận.
– Thứ hai, bảo đảm tốt nhất quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng (khách du lịch) bởi họ thường ở thế yếu so với thương nhân cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận thông tin cũng hạn chế hơn.
– Thứ ba, bảo đảm hoạt động XTDL diễn ra một cách minh bạch, cạnh tranh bình đẳng trong thị trường du lịch; bảo đảm XTDL ở tầm vĩ mô; mở rộng thị trường du lịch của thương nhân trong khuôn khổ pháp luật.
2.2.3. Các nguyên tắc pháp luật về xúc tiến du lịch
Các nguyên tắc của pháp luật xúc tiến du lịch là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt và xuyên suốt toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật XTDL trong việc điều chỉnh các quan hệ liên quan tới hoạt động XTDL.
Thứ nhất, Nhà nước xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình XTDL quốc gia, điều phối các hoạt động XTDL liên vùng, liên tỉnh. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương có trách nhiệm phối hợp với nhau và với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc thực hiện hoạt động tuyên truyền, quảng bá, XTDL theo quy định của Luật Du lịch.
Thứ hai, mọi thương nhân bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động XTDL. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Đây là nguyên tắc hiến định đã được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt, trong hoạt động du lịch, thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế thì đều có được tư cách bình đẳng trước pháp luật. Việc ghi nhận pháp lý này có giá trị rất lớn trên phương diện thực tiễn khi mà ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng vai trò và nắm giữ nhiều nguồn lực thiết yếu hơn so với khu vực tư nhân. Đồng thời, với việc được ghi nhận tư cách pháp lý bình đẳng, thì tất cả các thương nhân đều có quyền tự do thực hiện các biện pháp XTDL với vì mục tiêu lợi nhuận của họ.
Thứ ba, xúc tiến du lịch của thương nhân phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác và lợi ích quốc gia
Nguyên tắc này đòi hỏi các hoạt động XTDL của thương nhân phải chấp hành quy định pháp luật về xúc tiến thương mại và du lịch được ghi nhận tại Luật Thương mại năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản pháp luật khác.
Thương nhân XTDL thường sẽ chịu sự chi phối bởi lợi nhuận, vì vậy, dễ dàng bỏ qua lợi ích của các chủ thể liên quan trong trường hợp xung đột. Do đó, mặc dù XTDL là quyền tự do của thương nhân, tuy nhiên, quyền này không phải là không có giới hạn. Quyền này chỉ có giá trị trong trường hợp thương nhân XTDL phải đồng thời bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác. Nếu không, thương nhân XTDL sẽ xâm phạm vào các quy phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh và phải gánh chịu hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra.
Cùng với đó, hoạt động XTDL phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. XTDL gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng. Xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc luôn đứng hàng đầu, hoạt động XTDL dù dưới hình thức nào cũng phải bảo đảm các lợi ích nêu trên không bị xâm phạm.
Thứ tư, thương nhân thực hiện XTDL có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch được khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, hội chợ, triển lãm du lịch.
Nguyên tắc này có liên hệ mật thiết với nguyên tắc thứ ba ở khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng, khách du lịch, những người trực tiếp tiếp nhận thông tin XTDL từ phía thương nhân. Xuất phát từ nguyên do là người tiêu dùng, khách du lịch thường đứng ở thế yếu so với thương nhân, khả năng tiếp cận thông tin của họ cũng hạn chế hơn nhiều, do đó, họ dễ trở thành nạn nhân của những sản phẩm dịch vụ du lịch không như nội dung khuyến mại, quảng cáo.
Cuối cùng, hoạt động XTDL của thương nhân không được đưa ra kèm với điều kiện ép buộc khách hàng phải từ bỏ, từ chối sản phẩm dịch vụ du lịch của
thương nhân, tổ chức khác; không có sự so sánh trực tiếp sản phẩm dịch vụ của mình với sản phẩm dịch vụ du lịch của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác. Đây được coi là nguyên tắc trong pháp luật cạnh tranh giữa các thương nhân nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh.
2.2.4. Nội dung và khung pháp lý xúc tiến du lịch của thương nhân
Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và các quan hệ kinh tế – xã hội hình thành trong quá trình XTDL của thương nhân, có thể xác định nội dung cơ bản của pháp luật điều chỉnh về XTDL của thương nhân bao gồm: Pháp luật về các hình thức XTDL trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, với khung pháp lý là các văn bản quy phạm pháp luật về: Thương mại, du lịch, quảng cáo, cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
a. Các hình thức, nội dung xúc tiến du lịch
Là sự ghi nhận bằng pháp luật các cách thức, biện pháp tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán, cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch của thương nhân. Nội dung của nhóm quy định này tập trung vào các vấn đề: Các hình thức pháp lý để XTDL, đặc điểm thương mại của từng hình thức; cách thức thực hiện; quyền và nghĩa vụ của thương nhân; các hạn chế, nghiêm cấm trong quá trình thực hiện XTDL.
Các hình thức XTDL của thương nhân được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn (Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại) gồm: Khuyến mại; quảng cáo; giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch; hội chợ, triển lãm du lịch. Song, trong khuôn khổ quyền tự do hoạt động XTDL, thương nhân có thể thực hiện những cách thức khác hay kết hợp nhiều hình thức XTDL nếu nó mang lại hiệu quả tốt cho phát triển hoạt động kinh doanh du lịch. Các hành vi XTDL còn được ghi nhận trong Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan khác như Luật Quảng cáo….
* Với những nội dung này, pháp luật về các hình thức XTDL có vai trò:
– Là cơ sở pháp lý cho thương nhân thực hiện quyền tự do hoạt động XTDL với nhiều cách thức, biện pháp đa dạng để kích thích nhu cầu của khách du lịch, lôi kéo khách du lịch, tăng lợi nhuận cho mình.
– Bảo vệ các đối thủ cạnh tranh trước nguy cơ xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh do thương nhân đã vượt quá khuôn khổ cho phép.
– Bảo vệ người tiêu dùng trước nguy cơ xuất hiện những hành vi lừa dối, gian lận của thương nhân khi thực hiện XTDL.
– Đảm bảo sự kiểm soát vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động XTDL của thương nhân.
* Do đó, pháp luật về các hình thức XTDL phải đáp ứng các yêu cầu:
– Kịp thời điều chỉnh các hình thức XTDL mới xuất hiện do nhu cầu kinh doanh, nhu cầu cạnh tranh nếu như những hành vi đó xâm phạm đến lợi ích của người khác, của cộng đồng.
– Các quy định về hình thức XTDL không nên cứng nhắc mà chủ yếu chỉ là sự hướng dẫn hành vi của thương nhân trong kinh doanh, phải cho phép khả năng lựa chọn phù hợp trên cơ sở tự cân nhắc lợi ích.
– Cần có sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định của Luật Thương mại, Luật Du lịch, Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, với những hình thức XTDL mà pháp luật đã quy định, thương nhân và các chủ thể có liên quan có nghĩa vụ thực hiện các quy tắc xử sự mà pháp luật đã đề ra nhằm bảo vệ lợi ích cho thương nhân XTDL và cả lợi ích của các đối thủ cạnh tranh, của người tiêu dùng và của toàn xã hội.
b. Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Trong quan hệ với người tiêu dùng, thương nhân nhằm vào đối tượng
khách hàng (người tiêu dùng) để XTDL, các đối thủ cạnh tranh thì lôi kéo khách hàng bằng các thủ đoạn cạnh tranh khi khuyến mại, quảng cáo, thông tin, tiếp thị… Điều này phản ánh mối quan hệ với người tiêu dùng luôn tồn tại trong quan hệ XTDL và trong cạnh tranh. Không chỉ là công việc kinh doanh của thương nhân, bởi vì người tiêu dùng luôn có nguy cơ bị thiệt hại và cần được pháp luật
bảo vệ khi lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch của thương nhân. Bên cạnh các quy định của pháp luật XTDL và pháp luật cạnh tranh, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có vai trò đáng kể trong việc quy định trách nhiệm của thương nhân, cơ chế bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Pháp luật cạnh tranh và pháp luật XTDL đều có các quy phạm điều chỉnh hoạt động XTDL của thương nhân.
Pháp luật XTDL chủ yếu quy định khuôn khổ cho thương nhân thực hiện quyền tự do hoạt động XTDL, đóng vai trò hướng dẫn hoạt động kinh doanh. Còn pháp luật cạnh tranh tiếp cận hành vi cạnh tranh nói chung và cạnh tranh thông qua XTDL nói riêng từ mặt trái của nó để quy định các hành vi vi phạm bị coi là cạnh tranh không lành mạnh, hành vi hạn chế cạnh tranh trong XTDL.
Cả hai phương diện tiếp cận này cùng tạo ra hiệu quả cao hơn trong điều chỉnh pháp luật đối vối hoạt động XTDL, song nó đòi hỏi sự thống nhất, đồng bộ trong các quy phạm đó.
Các yếu tố ảnh hưởng tới thực hiện pháp luật về xúc tiến du lịch
a. Điều kiện chính trị pháp lý, kinh tế – xã hội
* Chính sách pháp luật và hoạt động xúc tiến du lịch của Nhà nước So với những công cụ khác như đạo đức, phong tục, tập quán, tín điều tôn
giáo, quy định của cộng đồng dân cư hay của các tổ chức xã hội… các chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung có những ưu thế vượt trội hơn như tính bắt buộc chung, cưỡng chế; tính xác định về mặt hình thức; tính quy phạm phổ biến…
Nhờ những thuộc tính đó, các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển du lịch được thể chế hóa bằng chính sách pháp luật của Nhà nước, đưa vào đời sống và trở thành hiện thực trong đời sống; các chính sách pháp luật xác định địa vị pháp lý của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, thương nhân và đến từng cá nhân, từ đó tạo dựng hành lang, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động của các chủ thể trong xã hội nói chung và XTDL nói riêng nên có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XTDL của thương nhân.
Theo Điều 67 Luật Du lịch năm 2017, chính sách pháp luật XTDL được quy định bao gồm bốn nội dung: Thứ nhất, quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, di sản văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình lao động sáng tạo của con người, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tăng cường thu hút khách du lịch. Thứ hai, xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường du lịch, xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch. Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, lành mạnh, văn minh, phát huy truyền thống mến khách của dân tộc. Thứ tư, vận động, tìm kiếm cơ hội, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Các chính sách pháp luật của Nhà nước về XTDL sẽ:
– (i) Định hướng cho hoạt động du lịch phát triển tích cực, vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song vẫn giữ gìn các giá trị truyền thống và bảo tồn tài nguyên du lịch của đất nước.
– (ii) Hình thành và hoàn thiện môi trường pháp lý toàn diện, ổn định cho hoạt động du lịch trong cả nước, cho từng vùng, từng địa phương và thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
– (iii) Dung hoà mối quan hệ và lợi ích giữa du lịch với các ngành kinh tế khác; đảm bảo hài hoà về quyền lợi giữa cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh du lịch và khách du lịch.
Các hoạt động XTDL tầm quốc gia của Nhà nước (Chính phủ) với vai trò là một chủ thể trong nền kinh tế bao gồm các hoạt động xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình XTDL quốc gia, có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch tổ chức thực hiện các hoạt động XTDL ở trong nước và nước ngoài; ký kết các hiệp định, điều ước, hợp tác về du lịch với Chính phủ nước ngoài; thiết lập các văn phòng XTDL, đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường du lịch trọng điểm; điều phối các hoạt động XTDL liên vùng, liên địa phương; thành lập cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia và tổ chức thông tin du lịch tại các cửa khẩu quốc tế, quản lý nhà nước đối với các thương nhân, doanh nghiệp du lịch trong hoạt động kinh doanh du lịch, có tác động lớn đến hoạt động XTDL của
thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nó góp phần quan trọng về hỗ trợ các thương nhân, doanh nghiệp phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch thông qua vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
* Các yếu tố kinh tế
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, đặc biệt từ năm 1950, tại các nước công nghiệp đã phục hồi kinh tế, từ đó dẫn đến thu nhập và quỹ thời gian rảnh rỗi của những người dân các nước này tăng lên. Đây là hai yếu tố cơ bản dẫn tới cầu du lịch tăng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ tạo ra tăng trưởng từ 2% – 2,5% trong chi tiêu cho du lịch [65, tr.32]. Đây cũng chỉ là một dự báo để tham khảo vì hoạt động du lịch bị ảnh hưởng mạnh do các yếu tố khác như thiên tai, bệnh dịch, khủng hoảng kinh tế, giá dầu, biến đổi khí hậu… Vì lẽ đó, hiệu quả hoạt động XTDL của các thương nhân thường có những biến động tỉ lệ thuận với tình hình kinh tế thế giới.
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, dự báo tăng mạnh trong thời gian tới. Khách du lịch Trung Quốc đang làm thay đổi bản đồ du lịch quốc tế, trở thành thị trường nguồn quan trọng của nhiều quốc gia. Trung Quốc là thị trường nguồn số 1 của Việt Nam. Bất kể một sự thay đổi nào của thị trường này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với du lịch Việt Nam. Việc phục vụ khách du lịch Trung Quốc cũng có không ít thách thức về hiệu quả kinh doanh và sự đảm bảo tính bền vững tương tác hài hòa với các loại khách khác.
* Các yếu tố công nghệ
Ngày nay, cuộc cách mạng 3T (Telecommucation – Transport – Tourism), đó là cuộc cách mạng trong Viễn thông – Công nghệ – Giao thông vận tải để thúc đẩy sự phát triển du lịch. Điều này được thể hiện trong sự phát triển của công nghệ điện tử đã hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin trực tuyến. Các tiến bộ về công nghệ này đang làm thay đổi hoạt động du lịch trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thiết kế và phân phối sản phẩm du lịch [53, tr.23]. Việc sử dụng các phương pháp và công cụ nghiên cứu thị trường hiện đại có ảnh
hưởng trực tiếp đến việc cho ra đời một sản phẩm dịch vụ du lịch mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu marketing sẽ cho ra các kết quả chính xác hơn về các nhu cầu và xu hướng trong du lịch của từng thị trường hoặc từng phân khúc thị trường cụ thể để các nhà quản lý và kinh doanh du lịch có thể xây dựng được các sản phẩm dịch vụ du lịch phù hợp.
Đối với khách du lịch, việc tìm kiếm sản phẩm dịch vụ du lịch, lên kế hoạch đi du lịch, đặt vé, đặt chỗ máy bay và khách sạn trên mạng Internet đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Do vậy, nếu các điểm đến du lịch không áp dụng công nghệ thông tin trong mọi khía cạnh của phát triển du lịch, từ quy hoạch, phân phối và tiếp thị sản phẩm dịch vụ du lịch… thì điểm đến đó sẽ thất bại trước các đối thủ cạnh tranh.
Chính vì vậy, hoạt động XTDL của thương nhân cần phải gắn với sự phát triển của khoa học công nghệ thì mới có thể vươn xa hơn, quảng bá hình ảnh du lịch tới các thị trường quốc tế, thị trường mục tiêu mà Việt Nam đang nhắm tới.
* Các yếu tố an ninh – chính trị
Các rào cản chính trị qua việc cấp thị thực (visa) đã hạn chế sự phát triển du lịch. Với sự phát triển của công nghệ, của kinh tế, du lịch như một ngành kinh tế cần khuyến khích phát triển, vì thế, nhiều quốc gia đã nới lỏng các thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch [112, tr.2]. Các hình thức hộ chiếu điện tử hay visa điện tử sẽ thay thế cho hộ chiếu giấy. Trong tương lai, xu hướng đi lại giữa các quốc gia ngày càng trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nhưng cũng là yếu tố cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến du lịch.
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện pháp luật, thực tiễn Việt Nam đang bị rào cản bởi yếu tố an ninh – chính trị trong việc cấp thị thực (visa) của Nhà nước.
Chính sách cấp thị thực nhập cảnh của Việt Nam còn nhiều bất cập so với các điểm cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam trong khu vực các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam được đánh giá là đắt đỏ, không tiện lợi và minh bạch. Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn duy nhất Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Các điểm đến đối thủ quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN không chỉ miễn thị thực mà quy định, thủ tục còn rất rõ ràng, minh bạch, nhanh chóng, thuận tiện cho du khách quốc tế. Các quốc gia ASEAN-5 gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippin có điểm chung là áp dụng miễn thị thực tối thiểu 30 ngày, tối đa đến 90 ngày cho phần lớn khách du lịch quốc tế [112, tr.3].
Hiện nay, quy định về thời hạn tạm trú liên tục đối với khách quốc tế đến Việt Nam chưa hợp lý, tạo nên rào cản trong phát triển du lịch nói chung và XTDL nói riêng. Tại điểm a, Khoản 1 Điều 31 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 16/12/2019 quy định “Người nước ngoài nhập cảnh không có thẻ thường trú, thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì được cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu với thời hạn như sau: Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực có ký hiệu DL thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú theo quy định tại Điều 35 của Luật này”. Như vậy, người nhập cảnh bằng visa du lịch chỉ được tạm trú liên tục 30 ngày kể cả khi thời hạn tối đa của visa du lịch là 03 tháng, đồng nghĩa với việc khách du lịch quốc tế tới Việt Nam ngay cả khi đã được cấp thị thực 03 tháng sẽ không thể ở lại liên tục 03 tháng. Quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây khó khăn, phiền hà và tốn kém cho du khách. Việc giới hạn thời gian tạm trú ít hơn nhiều so với thời hạn thị thực không chỉ làm đánh mất cơ hội thu hút các khách du lịch nước ngoài có mong muốn lưu trú dài ngày và chi trả cho những kỳ nghỉ cao cấp tại Việt Nam mà còn không nhất quán, khó giải thích với khách du lịch quốc tế nói chung và không thuận lợi khi thương nhân thực hiện XTDL với rào cản visa như trên.
Sự an toàn của điểm đến là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu khi khách du lịch quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Hoạt động du lịch sẽ không thể phát triển nếu như các điểm đến thường xảy ra chiến tranh, bất ổn chính trị, làm cho sức khỏe và an toàn của khách du lịch bị đe dọa. Các hiện tượng như: trộm cắp, cướp giật, khủng bố, bắt cóc con tin… tại các điểm đến du lịch sẽ làm
cho khách du lịch sợ hãi và họ sẽ không bao giờ đến, dù điểm đến đó có sức hấp dẫn cao. Trong thực tế hiện nay, một số điểm đến ở Châu Phi, Trung Đông và Nam
Á đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố này mặc dù có tiềm năng du lịch lớn [103, tr.15]. Sau những biến cố xung đột chính trị, khủng bố làm cho sự an toàn của
các chuyến đi du lịch trở nên đáng lo ngại; quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa các quốc gia như Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản do xung đột trên biển Hoa Đông… tạo ra những xu hướng dòng khách chuyển dịch sang những điểm đến thay thế an toàn hơn. Đây là cơ hội đối với Việt Nam nổi lên là điểm đến mới, hấp dẫn, an toàn, thân thiện thay thế các điểm đến kém an toàn hơn từ đó đặt ra yêu cầu đối với du lịch Việt Nam cần nâng cao năng lực đón tiếp khách đáp ứng những phân khúc thị trường này [103, tr.44]. Mặt khác, tình hình phức tạp và bất ổn ở Biển Đông có nguy cơ suy giảm nguồn khách từ thị trường Trung Quốc cũng như sự suy giảm do lo ngại đối với các thị trường nguồn khác.
* Các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu
Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu lớn, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán, triều cường, sạt lở, động
đất, sóng thần, xâm nhập mặn với cường độ ngày càng cao, thiệt hại ngày càng lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với phát triển kinh tế – xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Môi trường sinh thái ở Việt Nam được đánh giá là còn tương đối nguyên sơ, có độ đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của công nghiệp hóa, tăng trưởng nóng, phát triển thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn, làm cho chất lượng môi trường sinh thái suy giảm. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động và thiệt hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Biến đổi khí hậu ngày càng có những biểu hiện bất thường, khó lường: Nước biển dâng, triều cường khu vực ven biển, châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long; bão, lốc xoáy có cường độ mạnh; nhiệt độ nóng, lạnh cực đoan… Các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp là nông nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng; các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên [103, tr.26].
Đây là những yếu tố đáng quan tâm đòi hỏi ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp du lịch nói riêng phải có những biện pháp chuẩn bị về năng lực để thích ứng, giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động đón nhận những tác động tích cực để có giải pháp thu hút khách du lịch đến với các điểm đến của Việt Nam.