Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị trên thế giới
Từ cuối thế kỷ 20 nông nghiệp đô thị đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Trên thế giới, gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị là từ nông nghiệp tại vùng đô thị, 25 – 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp tại vùng đô thị. Khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh thì nông nghiệp tại vùng đô thị mới thực sự phát triển. Dữ liệu về quy mô nông nghiệp đô thị ở một số quốc gia trên thế giới được tác giả trình bày tại Phụ lục 9.1. Trong đó kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị ở một số quốc gia kể đến đó là:
Nhật Bản:
Là một quốc gia đông dân với tài nguyên đất và nước hạn chế, Nhật Bản bắt đầu nghiên cứu về nông nghiệp đô thị từ rất sớm, bắt nguồn từ những năm 1930 (J. Yu và cộng sự, 1998). Nông nghiệp tại vùng đô thị ở Nhật Bản được định nghĩa là “một hình thức nông nghiệp đặc biệt, phân bổ trong các khu công nghiệp, thương mại và dân cư ở các khu vực đô thị hoặc vùng ven đô”. Hơn nữa, nó cũng được đặc trưng là có năng suất cao và gắn bó chặt chẽ với kinh tế đô thị [134].
Mặc dù là một quốc gia công nghiệp hóa cao, nhưng sự hiện diện của việc sử dụng đất nông nghiệp là một đặc điểm chung của cảnh quan đô thị của các thành phố trên toàn quốc. Gần một phần ba tổng sản lượng nông nghiệp của cả nước trên thực tế là do nông nghiệp tại vùng đô thị tạo ra. Tương tự như vậy, nông dân thành thị chiếm 25% số hộ nông dân ở Nhật Bản. Nông nghiệp đô thị của Nhật Bản có năng suất cao hơn so với nông thôn. Theo số liệu năm 2010 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (MAFF), ruộng ở đô thị là loại hình nông nghiệp có năng suất cao nhất về giá trị kinh tế sản xuất trên một diện tích – năng suất cao hơn 3% so với mức trung bình của cả nước. Xét về doanh thu trên mỗi nông dân, nông nghiệp tại vùng đô thị có lợi nhuận cao gấp hai lần so với nông nghiệp liên miền núi và khoảng 10% so với nông nghiệp nông thôn đồng bằng. Tokyo là một trong những thành phố lớn nhất và tắc nghẽn nhất trên thế giới, trong số những mạng lưới đường sắt, đường xá, tòa nhà và dây điện chằng chịt, tuy nhiên nông nghiệp địa phương sản xuất đủ rau để cung cấp cho gần 700.000 cư dân thành phố [109].
Ở Nhật Bản, một số chức năng xã hội và môi trường của nông nghiệp tại vùng đô thị đã được các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản công nhận với các vai trò:
– Nguồn sản phẩm tươi và an toàn, bao gồm cả cây trồng hữu cơ và ít hóa chất, ngày càng được người tiêu dùng thành thị yêu cầu cao. Chúng có thể được sản xuất và tiêu thụ tại địa phương dựa trên mối quan hệ tin cậy giữa nông dân và cư dân thành phố.
– Cơ hội cho người dân thành thị tham gia vào các hoạt động nông nghiệp, cả trực tiếp (ví dụ, vườn giao) và thông qua trao đổi giữa người sản xuất và người tiêu dùng với việc bán các sản phẩm nông nghiệp tại các nông trường địa phương.
– Không gian mở để quản lý thiên tai, bao gồm phòng chống cháy lan, không gian sơ tán khi có động đất và không gian mở trong trường hợp các thảm họa khác.
– Tài nguyên cho giải trí và phúc lợi, bao gồm không gian xanh để thư giãn cá nhân và thoải mái tinh thần.
– Giáo dục và nâng cao nhận thức để nâng cao hiểu biết của người dân thành thị về các vấn đề nông nghiệp và lương thực
Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp đã giảm hơn 40% do các tác động liên quan đến đô thị hóa, mặc dù dân số của đất nước vẫn ổn định. Số người làm nông nghiệp ở thành thị cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó còn gặp phải những thách thức đối với canh tác đô thị đó là: Già hóa nông dân, Rào cản về thuế, Thương mại hóa, Chuyển dịch năng suất.
Mặc dù gặp những thách thức trên, Nhật Bản vẫn có cơ hội để tăng cường vai trò của nông nghiệp tại vùng đô thị đối với sự bền vững và phúc lợi của địa phương, bao gồm quản trị, kinh tế, môi trường và xã hội. Những cơ hội phải kể đến đó là: các phương pháp tiếp cận khái niệm mới, người dân thành thị ngày càng quan tâm đến nông nghiệp. Theo một nghiên cứu cho thấy hơn 85% người dân Tokyo muốn thành phố của họ có đất nông nghiệp để đảm bảo tiếp cận với thực phẩm tươi sống và không gian xanh. Ở một số thành phố công nghiệp hóa cao như Kawasaki và Nagoya nhu cầu về vườn cây đã vượt cung hơn 300% [4]. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính đổi mới, thanh toán cho các dịch vụ hệ sinh thái đô thị và đa dạng sinh học. Các thành phố trên cả nước đang phát triển các chính sách tái tạo đô thị nhằm khôi phục cảnh quan đô thị để cải thiện môi trường và đời sống địa phương.
Ở một đất nước hiểu biết về công nghệ như Nhật Bản, nông nghiệp tại vùng đô thị là mảnh đất màu mỡ cho đổi mới xanh. Bằng cách liên kết tiềm năng công nghệ của mình với các nguyên tắc nông nghiệp bền vững dựa trên nền văn hóa nông nghiệp và thực phẩm truyền thống. Nhật Bản đóng vai trò hàng đầu trong đổi mới nông
nghiệp tại vùng đô thị và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác.
Trung Quốc:
Nông nghiệp tại vùng đô thị là thực hành kết hợp canh tác vào các khu vực thành phố thông qua việc sử dụng đất hỗn hợp và các kỹ thuật cải tiến cho phép canh tác diễn ra trên các mảnh đất nhỏ hơn. Ở Trung Quốc, nông nghiệp tại vùng đô thị trở nên phổ biến trên toàn quốc như một phương tiện thúc đẩy tính bền vững và khả năng phục hồi của đô thị bằng cách đưa sản xuất lương thực đến gần hơn với người tiêu dùng và giảm các tác động đến môi trường. Khuyến khích nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm để ứng phó với những biến cố lớn về sức khỏe; và thúc đẩy quản lý môi trường khi ô nhiễm không khí và nước đô thị gia tăng ở các thành phố mới.
Trung Quốc đi đầu trong việc tích hợp nông nghiệp tại vùng đô thị vào các kế hoạch phát triển chiến lược của mình và đóng vai trò là người tạo ra tốc độ theo nhiều cách. Chính quyền đã đưa ra một chương trình chính thức khuyến khích nông nghiệp tại vùng đô thị ở các khu vực ven đô bằng cách hỗ trợ phát triển các công viên nông nghiệp, không chỉ sản xuất lương thực mà còn thu hút du lịch.
Chính quyền đã thực hiện một số động thái để giúp bảo vệ lĩnh vực tương đối mới này. Chính phủ đã bắt đầu đánh giá giá trị tài chính của nông nghiệp tại vùng đô thị, nông nghiệp tại vùng đô thị – không chỉ về mặt sản phẩm mà còn cũng như những đóng góp của nó cho kết cấu xã hội và môi trường. Nông dân thành thị được khuyến khích thành lập hợp tác xã để tận dụng quy mô tổng hợp và khả năng thương lượng của họ trong việc mua vật tư canh tác và tiếp thị sản phẩm của họ. Thông qua các hợp tác xã này, chính phủ có thể cung cấp các khoản trợ cấp để khuyến khích tăng trưởng hơn nữa, bao gồm bán phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu ít ô nhiễm hơn với giá thấp hơn, vừa giảm chi phí cho nông dân vừa tăng cường an toàn thực phẩm [101].
Mỹ: GDP của Mỹ là 22996,1 tỷ USD (2021), nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ 1,1% trong GDP. Lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 0,7% trong tổng số 153,9 triệu lao động trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên nông nghiệp Mỹ là một mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất điển hình. Nền nông nghiệp Mỹ cũng đạt được sự dồi dào và đa dạng nhất trên thế giới. Có khoảng 7% số trang trại thu được thu nhập bình quân từ 250000 USD trở lên.
Nông nghiệp tại vùng đô thị ở Mỹ ngày càng phổ biến đối với nhiều người, từ cư dân đô thị đến các nhà hoạch định chính sách. Nông nghiệp tại vùng đô thị mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho khu vực đô thị: không gian xanh và khả năng tiếp cận thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng đô thị. Vì những lý do này, nông nghiệp tại vùng đô thị đã thu hút được sự chú ý của người dân thành phố và các nhà hoạch định chính sách. Hội đồng chính sách lương thực và chính quyền các thành phố trên khắp đất nước, ở các thành phố như New York, Baltimore và Chicago, đã kết hợp rõ ràng các đề xuất cho môi trường thực phẩm địa phương của họ để tạo điều kiện mở rộng nông nghiệp tại vùng đô thị (Goldstein và cộng sự, 2011; Hodgson, 2012).
Nông nghiệp tại vùng đô thị đề cập đến việc trồng cây và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố. Làm nông nghiệp trong thành phố đặt ra nhiều thách thức, một số thách thức chung đối với tất cả các loại hình canh tác và một số thách thức khác đối với bối cảnh đô thị. Nông dân ở khu vực đô thị phải đối mặt với khoảng cách kiến thức đáng kể và các rào cản thể chế (Pearson và cộng sự, 2010). Hạn chế về thời gian và kinh phí cho nhân viên hỗ trợ kỹ thuật cũng là những thách thức (Surls và cộng sự, 2014).
Kinh nghiệm ở một số địa phương trong nước
Ở Việt Nam, nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng – vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp tại vùng đô thị. Trong thế kỷ XX, quá trình đô thị hóa cả nước được mở rộng, nhiều đô thị mới xuất hiện cũng là động lực để phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị, một số khu vực trong nước đã xây dựng chiến lược hoặc quy hoạch tổng thể và có những chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị.
Bước sang thế kỷ XXI điểm đáng chú ý về phát triển nông nghiệp đô thị là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, … Dựa vào đặc điểm đặc thù của điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội một số mô hình nông nghiệp tại vùng đô thị hiệu quả đã được hình thành ở một số đô thị như mô hình sản xuất RAT (rau an toàn), trồng hoa – cây cảnh, mô hình nuôi gà an toàn sinh học, cây ăn quả đặc sản…tác giả đưa ra kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị của một số đô thị sau:
a) Thành phố Hà Nội
Hà Nội với vai trò là thủ đô của cả nước, có vị trí địa lý quan trọng, có ưu thế đặc biệt so với các địa phương khác trong cả nước. Hiện đang là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao nhất. Hà Nội là một trong các đô thị có diện tích lớn nhất cả nước: 3358,6 km2 với tổng dân số năm 2022 là 8401,6 nghìn người [65]. Hà Nội có thị trường tiêu thụ nông sản lớn do có dân số đông và người dân có thu nhập cao do vậy thị trường tiêu thụ ổn định. Các công ty, doanh nghiệp thuộc các bộ ngành Trung ương, các văn phòng của các tỉnh thành phố, khách du lịch…lại càng kích thích cao hơn nhu cầu nông sản thực phẩm. Hà Nội cũng có lợi thế về con người và tiềm lực khoa học công nghệ. Là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nhiều cán bộ khoa học và quản lý có bằng cấp nên việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao vào nông nghiệp tại vùng đô thị là dễ dàng hơn so với các khu vực khác.
Nhiều vùng ven đô, ngoại thành cũ nay được nằm trong quy hoạch của các khu vực đô thị, các trung tâm kinh tế, chính trị mới của thủ đô trong tương lai gần. Đô thị hóa đã mang lại nhiều yếu tố tích cực cho sự phát triển của khu vực này như hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, khả năng tiếp cận của người dân với các tiện ích xã hội như văn hóa, y tế, giáo dục được nâng cao, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, đô thị hóa với tốc độ cao và mang tính tự phát cũng đã mang lại những ảnh hưởng tiêu cực đối với khu vực ven đô, ngoại thành cũ của thành phố.
Hà Nội đã và đang ưu tiên phát triển nông nghiệp cả ở nội thị và ngoại thị. Đối với nội thị, nông nghiệp tồn tại trong đô thị và vùng ven ở nước ta đã có từ xa xưa, Hà Nội đã có húng Láng, rau Tây Tựu, hoa Ngọc Hà, đào Nhật Tân, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây, rau muống trong ao hồ, kênh mương…
Thủ đô là địa bàn vừa sản xuất, vừa gắn với thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều đơn vị nghiên cứu của Trung ương về nông nghiệp nên có lợi thế hơn hẳn các tỉnh, thành khác trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Hà Nội còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nhà máy chế biến thức ăn, các cơ sở sản xuất giống giải quyết đầu ra cho nông sản.
Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau, tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau, một số hộ bắt đầu trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng.
Hiện nay, Hà Nội đã rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn Thủ Đô; xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định với hệ thống cơ sở thương mại đều khắp ở các vùng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hợp tác trực tiếp với nông dân, hợp tác xã sản xuất các loại nông sản chất lượng cao dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.
Tuy nhiên một số khó khăn ở Hà Nội gặp phải đối với việc phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị là lao động trẻ có kiến thức tham gia vào các hoạt động công nghiệp và dịch vụ ngày càng nhiều làm cho lao động nông nghiệp càng khan hiếm và bị già hóa. Cơ sở hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng cũng nhiều hệ thống bị xuống cấp gây ảnh hưởng đến yêu cầu phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị ở Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
b) Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị có diện tích lớn thứ hai cả nước (2061,4 km2) và dân số đông nhất (năm 2022 là 9720,8 nghìn người) [65]. So với năm 2011 diện tích đã giảm 33,6 km2 và dân số tăng lên 2205,3 nghìn người. Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ.
Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, khoa học công nghệ và đặc biệt là con người và thị trường tiêu thụ lớn,…Cơ cấu kinh tế của thành phố duy trì và tiếp tục chuyển dịch theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị. Kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành phố thời gian qua là tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố.
Trên địa bàn thành phố hình thành các vùng chuyên canh RAT, hoa cây cảnh, cây ăn quả, vùng chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn. Đặc biệt thành phố có các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ Sinh học (Quận 12), Trung tâm thủy sản (Cần Giờ), trại thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao – hợp tác Israel (Củ Chi) với mục tiêu nhằm tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, đặc sản, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và thị trường bên ngoài trong tiến trình phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh trồng lúa sản xuất không hiệu quả do giá trị kinh tế thấp và thường xuyên bị thiên tai dịch bệnh hoành hành, các hộ dần chuyển sang sản xuất rau an toàn do vốn đầu tư ít và thời gian sản xuất ngắn nên hiệu quả cao. Tuy nhiên, do sản xuất cá thể nên gặp nhiều khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm, lúc rau có giá cao thì thương lái kiếm mua, thị trường xuống giá thì thương lái không mua đành đổ cho cá ăn.Trước tình hình đó, nhiều hộ nông dân đã liên kết lại với nhau, từ đó nhiều HTX và tổ hợp tác ra đời. Các hình thức liên kết này đã mang lại hiệu quả cao từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.
Hải Phòng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Diện tích tự nhiên của Hải Phòng là 1561,8 km2 (chiếm 0,47% cả nước), dân số trung bình năm 2022 là 2090,8 nghìn người (chiếm 2,1% cả nước) [65]. Trong các thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng đứng thứ 3 cả về diện tích và dân số, sau Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Hải Phòng không có ưu thế để phát triển nông nghiệp như một số tỉnh vùng ĐBSH nên tỉnh đã chuyển hướng sang phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị với các sản phẩm sạch và có năng suất cao và giá trị lớn.
Mặc dù diện tích gieo trồng giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp và năng suất các loại cây trồng đều tăng. Trên địa bàn thành phố phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu, nâng giá trị sản xuất nhiều cánh đồng, vườn cây đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Phát triển nhanh các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Hiện tại thành phố đang có 9 vùng chăn nuôi tập trung, tổng diện tích 147,5 ha với 142 trang trại, trong đó có 35 trang trại lợn, 107 trại gà quy mô 5.000-8.000 con/trại. Các trang trại chăn nuôi tập trung sản xuất có hiệu quả, ít xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, nông nghiệp của thành phố còn đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Đó là đô thị hoá nhanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, hơn 1.000 ha đất nông nghiệp dành cho các dự án và phát triển đô thị; nông dân mất đất canh tác cùng với thiếu việc làm, gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm xã hội; ô nhiễm môi trường phát sinh, suy thoái tài nguyên,…Trong bối cảnh đó, phát triển nền nông nghiệp tại vùng đô thị – sinh thái bền vững, xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Hải Phòng là định hướng quan trọng.
Năm 2019, Hải Phòng có 2 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 222,35 ha; 3 vùng sản xuất hoa công nghệ cao 5ha, vùng chăn nuôi gắn với giết mổ tập trung 20ha và 1 vùng sản xuất rau đậu tương xuất khẩu 120ha. Năm 2020, đến thời điểm hiện tại đã có 2 doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư vào 2 vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 203 ha.
Hải Phòng đã hình thành một số vùng chuyên canh quy mô lớn hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đó là: Vùng chuyên canh rau: huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Đồ Sơn….; Vùng chuyên môn hoa cây cảnh: tập trung tại huyện An Dương và quận Hải An; Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao: huyện Vĩnh Bảo, Tiên
Lãng, Kiến Thụy, An Dương; Vùng trồng cây ăn quả: tập trung ở huyện Thủy Nguyên, An Lão, An Dương.
Bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị cho tỉnh Thái Nguyên
Từ thực tiễn phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp tại vùng đô thị của một số nước trên thế giới là Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc và một số đô thị phát triển trong nước, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị của tỉnh Thái Nguyên:
– Rà soát, bổ sung, sửa đổi để có bộ chính sách hỗ trợ cả về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ cao, chính sách tài chính để khuyến khích kinh tế HTX phát triển, coi đó là khoản đầu tư hạ tầng cho tỉnh, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, môi trường sinh thái.
– Tập trung phát triển các sản phẩm đặc thù, sản phẩm thế mạnh của nông
nghiệp tại vùng đô thị. Nên chọn một số đối tượng cây trồng, vật nuôi có thể sản xuất thâm canh trong điều kiện ít đất và có giá trị kinh tế cao. Kết hợp cải thiện môi trường sống cho đô thị và phát triển nông nghiệp sinh thái, nghỉ ngơi.
– Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với các HTX, nhóm hợp tác để tổ chức sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp xanh đô thị tại chỗ, thay vì du nhập bên ngoài không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng…
– Cần có chính sách bình đẳng để khuyến khích HTX, tổ chức và hộ dân tham
gia thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Tạo ra những cụm bán hàng cho các nhà sản xuất này, giúp họ tạo dựng danh tiếng, thương hiệu, không những không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường mà trái lại còn tạo ra nét riêng, độc đáo, tô thêm vẻ đẹp phồn hoa cho từng vùng đô thị.
– Tổ chức một cơ quan chuyên trách có đủ thẩm quyền, đáp ứng cả về chuyên môn quản lý và kỹ thuật, tài chính…để trực tiếp quản lý và hỗ trợ cho mô hình HTX kiểu mới phát triển.
– Khai thác lợi thế về tập trung các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cần sớm xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên để chuyển giao nhanh tiến bộ khoa học công nghệ; có giống cây, giống con chất lượng tốt cung cấp cho nông nghiệp tại vùng đô thị.
MÃ ĐỀ TÀI 013