Thực trạng pháp luật về quảng cáo du lịch của các thương nhân và thực tiễn thực hiện

Quảng cáo du lịch là một dạng quảng cáo trong thương mại, do đó pháp luật điều chỉnh QCDL hiện nay chính là Luật Thương mại năm 2005, Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra, hoạt động QCDL còn chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành quy định về quảng cáo nói chung, bao gồm: Luật Quảng cáo năm 2012 và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Theo khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012: Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, dịch vụ có mục đích sinh lợi hay sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi. Tổ chức,
cá nhân kinh doanh dịch vụ, sản phẩm được giới thiệu, trừ tin thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân.
Theo Điều 102 Luật Thương mại năm 2005: Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình.
Hoạt động quảng cáo thương mại nói chung và QCDL nói riêng có đối tượng có thể là hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch có khả năng mang lại lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân hoặc các sản phẩm dịch vụ, thông tin nhằm thực hiện một mục tiêu chính trị, văn hóa, xã hội nào đó. Trong đó, hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch vụ du lịch có mục đích sinh lời của thương nhân là hoạt động QCDL. Như vậy, pháp luật hiện hành điều chỉnh hành vi QCDL chỉ là một bộ phận của pháp luật điều chỉnh hoạt động quảng cáo nói chung.
* Chủ thể thực hiện quảng cáo du lịch
Với tư cách là người kinh doanh, thương nhân thực hiện QCDL để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình hoặc thực hiện dịch vụ quảng cáo cho thương nhân khác theo hợp đồng để tìm kiếm lợi nhuận. Đây là đặc điểm khác biệt của QCDL đối với các hoạt động thông tin, cổ động do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… thực hiện nhằm tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước.
Theo khoản 1, Điều 103 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân có thể tự mình thực hiện các công việc cần thiết để QCDL hoặc thuê dịch vụ quảng cáo của thương nhân khác thông qua hợp đồng dịch vụ.
Với bản chất là một hoạt động du lịch do thương nhân thực hiện, QCDL khác biệt với quảng cáo nói chung, mặc dù chúng đều có chung đặc điểm là một quá trình thông tin. Mục đích là giới thiệu về sản phẩm dịch vụ để XTDL, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và mục tiêu lợi nhuận của thương nhân. Thông qua các hình thức truyền đạt thông tin, thương nhân giới thiệu về một loại sản phẩm dịch vụ du lịch mới, tính ưu việt về chất lượng, giá cả, khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng… Như vậy, thương nhân có thể tạo sự nhận biết và kiến thức về sản phẩm dịch vụ, có thể thu hút khách hàng đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác thông qua việc nhấn mạnh đặc điểm và lợi ích của một sản phẩm dịch vụ du lịch cụ thể hoặc thông qua việc so sánh tính ưu việt của sản phẩm dịch vụ du lịch với các sản phẩm dịch vụ du lịch cùng loại. Có thể nói đây là những lợi thế mà thương nhân có thể khai thác vì nó có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng nhu cầu tiêu dùng xã hội về du lịch.
* Quy định về sản phẩm dịch vụ, phương tiện quảng cáo du lịch Trong hoạt động QCDL, thương nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch
và phương tiện quảng cáo thương mại để thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch đến khách hàng. Đây là đặc điểm riêng biệt của QCDL với hình thức XTDL cũng có mục đích giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch như giới thiệu, hội chợ triển lãm du lịch.
Tại Điều 105 Luật Thương mại năm 2005 có quy định về sản phẩm dịch vụ quảng cáo như sau: Sản phẩm dịch vụ quảng cáo thương mại gồm những thông tin bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.
Sản phẩm, dịch vụ QCDL được hiểu là các hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng hay màu sắc ánh sáng được thiết kế để tạo ra những sản phẩm nội dung dịch vụ du lịch làm toát lên sản phẩm dịch vụ du lịch mà cá nhân hay tổ chức muốn đưa tới cho khách hàng. Nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm dịch vụ du lịch, đưa thương hiệu của mình tới với khách hàng. Nội dung QCDL cũng chính là những sản phẩm dịch vụ du lịch có tính định hình cụ thể. Cá nhân hay tổ chức cần phải xây dựng nội dung QCDL sao cho phù hợp và đúng quy định pháp luật, đảm bảo cả tính thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Phương tiện quảng cáo du lịch: Khi tiến thành việc QCDL thì các cá nhân, tổ chức có rất nhiều phương tiện có thể được lựa chọn và thực hiện. Luật Thương mại cũng đã ghi nhận và phân loại những phương tiện quảng cáo thương mại thành các nhóm và được quy định tại khoản 2, Điều 106 Luật Thương mại năm 2005 về phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại. Theo đó, các phương tiện quảng cáo du lịch được sử dụng bao gồm: “a) Các phương tiện thông tin đại chúng; b)
Các phương tiện truyền tin; c) Các loại xuất bản phẩm; d) Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác; đ) Các phương tiện quảng cáo thương mại khác”.
Việc lựa chọn và đưa ra một hay nhiều phương án sử dụng trong quá trình QCDL là điều vô cùng khó khăn. Vì mỗi phương tiện QCDL lại có những ưu và nhược điểm khác nhau.
Khi các thương nhân lựa chọn sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để QCDL thì đây là phương tiện đa giác quan được ưa chuộng và cũng là công cụ được nhiều người sử dụng trong quá trình thu thập thông tin xung quanh mình. Việc truyền tải thông tin qua truyền hình sẽ là con đường ngắn nhất để quảng cáo hình ảnh, tính năng của sản phẩm dịch vụ tới với mọi đối tượng khách hàng, ở mọi tầng lớp xã hội, mọi thế hệ độ tuổi khác nhau. Đây là một phương án sử dụng QCDL rất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà chi phí khá hợp lý.
Khi các cá nhân tổ chức lựa chọn sử dụng các phương tiện truyền tin như radio, loa quảng cáo để QCDL thì đây cũng là một trong những phương thức QCDL đem lại những hiệu quả cao, giúp các cá nhân tổ chức quảng bá hình ảnh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch của mình đến với khách hàng.
Khi các cá nhân tổ chức lựa chọn sử dụng các loại xuất bản phẩm như báo chí, tạp chí, tuần san để QCDL. Đây là phương thức giúp cá nhân tổ chức truyền tải thông tin tới mọi người thông qua hình thức đọc hiểu. Khi cá nhân, tổ chức sử dụng phương thức này thì các cá nhân, tổ chức sẽ dễ dàng truyền tải thông tin về nội dung sản phẩm dịch vụ mới, quảng bá thương hiệu đơn thuần và tiếp cận được nhiều tới đối tượng khách hàng.
Trong thực tiễn, các hình thức quảng cáo du lịch phổ biến được thương nhân sử dụng để quảng cáo cho sản phẩm dịch vụ du lịch gồm:
– Báo chí: Là loại hình truyền thông được xuất bản thường xuyên, có thể tiếp cận toàn bộ khu vực thị trường địa phương, nhất là khách du lịch tiềm năng với chi phí thấp hơn so với các phương tiện khác, thời gian tiếp cận ngắn, đúng lúc, nhận được phản hồi nhanh và có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, chất lượng in, hình ảnh đăng tải thấp chưa có sức hấp dẫn cao, thời gian lưu hành hạn chế, nhiều nhiễu tạp.
– Truyền hình: Là hình thức quảng cáo kết hợp cả hình ảnh và âm thanh, màu sắc, ngôn ngữ dễ dàng tạo sự chú ý cao, tiếp cận thị trường rộng lớn. Nhiều điểm đến sử dụng truyền hình để quảng cáo rất hiệu quả. Nhưng bất lợi chính là chi phí ban đầu rất đắt, ít người xem, nội dung quá ngắn không linh hoạt.
– Truyền thanh: Có đặc điểm nổi bật là linh hoạt và chi phí thấp nhưng hấp dẫn người nghe bởi thông điệp quảng cáo được thể hiện bằng giọng nói ấm áp, truyền cảm, là phương tiện tuyệt vời để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ, điểm du lịch. Tuy nhiên do không có hình ảnh nên thu hút kém hơn nhiều so với truyền hình và bị chen ngang bởi nhiều mẫu quảng cáo.
– Tạp chí: Có lợi thế là chất lượng in và hình ảnh đẹp, hình thức quảng cáo xếp (dạng 3 chiều), có thể tập trung vào một phân khúc sở thích hoặc địa lý cụ thể, có độ tin cậy cao, thời gian lưu hành dài, chọn lọc đối tượng độc giả…
Tuy nhiên, tạp chí xuất bản định kỳ nên chờ đợi quảng cáo lâu, tiếp cận công chúng ít hơn báo, phát thanh và truyền hình.
– Quảng cáo ngoài trời: Là phương tiện quảng cáo lâu đời và có hiệu quả về mặt chi phí để nhanh chóng tiếp cận với hình thức quảng cáo trên các bảng điện tử, biển tấm lớn đặt trên các trục đường giao thông chính, tại các tụ điểm đông người, phương tiện giao thông công cộng, băng rôn, cờ phướn… nên hầu hết dễ gây chú ý cho mọi người có thể xem được. Để quảng cáo, trên phương tiện quảng bá du lịch thường được dùng nhận thức khi sản phẩm dịch vụ thâm nhập thị trường mới hoặc nhắc nhở về điểm đến, sản phẩm dịch vụ đã tồn tại trên thị trường biển tấm lớn, áp phích khổ lớn ngày càng được nhiều địa phương sử dụng. Tuy nhiên đối với biển, bảng quảng cáo tấm lớn, chí phí xây dựng, thuê chỗ đặt quảng cáo tương đối cao, thông điệp quảng cáo ngắn, không sáng tạo, khó đến được với phân khúc thị trường mục tiêu. Có thể thực hiện quảng cáo ngoài trời trên phương tiện cố định hoặc bằng các phương tiện di động.
– Internet: Đây là hình thức XTDL mới phát sinh trong thực tiễn, được Luật Thương mại năm 2005 quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 106 dưới dạng mở là “Các phương tiện quảng cáo thương mại khác”. Internet là thành viên mới trong lĩnh vực QCDL nhưng đã nhanh chóng khẳng định là một trong những phương tiện truyền thông trực tiếp phổ biến và phát triển nhanh nhất hiện nay. Tiếp thị trên internet hay tiếp thị số là việc sử dụng mạng internet kết hợp với các phương tiện truyền thông tích hợp khác nhằm tiếp thị quảng bá sản phẩm dịch vụ hay điểm đến du lịch tới công chúng và khách hàng mục tiêu. Internet vẫn là phương tiện tương tác có “tác động, ảnh hưởng mạnh nhất đối với hoạt động tiếp thị”, đặc biệt là tiếp thị du lịch thông qua các công cụ tìm kiếm như google search, google adword, yahoo, MSN, email, e-brochure, video games, các blog cá nhân, các mạng xã hội (facebook, twitter, zalo…) trên mạng toàn cầu (World Wide Web) có thể tương tác trực tuyến với người tiêu dùng, có khả năng theo dõi, thay đổi linh hoạt và thay đổi giao diện, màu sắc, hình ảnh, âm thanh cho từng chiến dịch quảng cáo hoặc thị trường mục tiêu, khả năng chọn lọc khán giả tiềm năng….cho phép người sử dụng trải nghiệm những thông tin, hình ảnh sống động, giàu tính tương tác, thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa thương nhân và khách hàng, cũng như giữa khách hàng với nhau, tạo điều kiện hợp tác với các tổ chức, đơn vị khác.
Căn cứ vào các hình thức QCDL thì việc sử dụng các phương thức đó cũng có những quy định riêng. Các quy định này đã được Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Điều 107, theo đó: Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 106 của Luật này phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải bảo đảm 03 yêu cầu: (i) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm; (ii) Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; (iii) Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, qua các quy định về sử dụng phương tiện khi QCDL, có thể thấy khi các cá nhân tổ chức sử dụng các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin, báo chí hay các phương thức quảng cáo đều phải tuân thủ và phải bảo đảm các yêu cầu nhất định theo quy định pháp luật. Chẳng hạn như việc QCDL bằng phương tiện truyền hình hay báo chí thì nội dung QCDL phải là những nội dung mà pháp luật không cấm, không vi phạm bản quyền, không vi phạm sở hữu trí tuệ. Khi các cá nhân tổ chức sử dụng phương án QCDL bằng các tấm áp phích, các biển quảng cáo lớn…. thì không được cản trở giao thông, không được gây ra tình trạng xấu tới môi trường, cảnh quan nơi công cộng.
Ngoài ra việc QCDL cũng cần phải có nội dung đúng và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Đối với những trường hợp vi phạm quy định pháp luật về nội dung quảng cáo thương mại thì các cá nhân và tổ chức sẽ bị xử lý theo đúng quy định. Việc lựa chọn sử dụng các phương pháp quảng cáo thương mại đúng sẽ giúp cho các tổ chức cá nhân tiến hành QCDL đạt được mục đích khi QCDL.
* Quy định về các hoạt động quảng cáo du lịch bị cấm
Trong hoạt động QCDL, có những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012: Làm tiết lộ bí mật Nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và an toàn xã hội; quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; sử dụng quốc kỳ, đảng kỳ, quốc huy, quốc ca hoặc giai điệu quốc ca, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam, hình ảnh biển giao thông để quảng cáo; quảng cáo gian dối; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường và trật tự an toàn giao thông, lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự, uy tín hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quảng cáo sản phẩm dịch vụ du lịch chưa được phép thực hiện ở thời điểm quảng cáo; quảng cáo sản phẩm dịch vụ mà pháp luật cấm quảng cáo hoặc cấm kinh doanh.
Quảng cáo du lịch có ý nghĩa rất lớn trong việc mang lại cơ hội du lịch cho thương nhân và điều này có thể dẫn đến nguy cơ làm giảm hoặc mất cơ hội du lịch của thương nhân khác. Nhằm XTDL và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, thương nhân có thể sử dụng QCDL như một công cụ để gièm pha, hạ thấp uy tín của thương nhân khác với mục đích thủ tiêu đối thủ cạnh tranh hoặc ngăn cản sự gia nhập thị trường du lịch của thương nhân mới. Do đó, giữa hoạt động QCDL và hành vi cạnh tranh không lành mạnh có thể chỉ tồn tại một ranh giới rất mỏng. Để đảm bảo trật tự du lịch trong khi hoạt động XTDL, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của người tiêu dùng và của các thương nhân, pháp luật nghiêm cấm một số hoạt động QCDL như trên và trong từng thời kỳ, những cấm đoán này có thể bị thay đổi.
* Quy định về thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép quảng cáo du lịch Khi thực hiện hoạt động quảng cáo nói chung và QCDL nói riêng, thương
nhân quảng cáo, thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chủ thể khác có tham gia vào quá trình hoạt động quảng cáo phải thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết. Nhìn chung, ở nhiều nước, việc đăng ký hoặc cấp phép cho hoạt động quảng cáo do cơ quan quản lý nhà nước về thương mại thực hiện. Ở Việt Nam, tuỳ thuộc nội dung sản phẩm dịch vụ quảng cáo và loại phương tiện quảng cáo, công việc này thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, như: Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá, thông tin và truyền thông, công thương, xây dựng…
Có hai loại thủ tục hành chính cần thực hiện trong hoạt động QCDL của thương nhân:
– Thủ tục để có được phương tiện quảng cáo hợp pháp: Thủ tục hợp pháp về phương tiện quảng cáo được quy định trong các trường hợp:
Theo quy định tại Điều 22 Luật Quảng cáo năm 2012 và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ: Báo in phát hành phụ trương quảng cáo, cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo, xây dựng các màn hình chuyên quảng cáo du lịch… quy định các thủ tục “thông báo” việc phát hành phụ trương quảng cáo, thủ tục xin cấp giấy phép ra kênh hay chương trình chuyên quảng cáo đều thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông – là Bộ Thông tin và Truyền thông; và theo quy định tại khoản 2, Điều 31 Luật Quảng cáo năm 2012, thủ tục xin cấp phép xây dựng màn hình chuyên quảng cáo tại cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng là Sở Xây dựng.
– Thủ tục thực hiện một hoạt động QCDL cụ thể của thương nhân và dịch vụ du lịch của thương nhân:
Theo xu hướng cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo thực hiện tốt hơn quyền tự do kinh doanh được pháp luật ghi nhận, pháp luật Việt Nam đã xoá bỏ hầu hết các thủ tục hành chính áp dụng cho hoạt động quảng cáo. Trên cơ sở tuân thủ điều kiện quảng cáo và các quy định khác có liên quan về phương tiện quảng cáo… tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện hoạt động quảng cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động quảng cáo đó khi bị phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra. Tuy nhiên, cần lưu ý về thủ tục thông báo thực hiện hoạt động QCDL được áp dụng đối với hình thức QCDL trên bảng QCDL và băng rôn được quy định tại khoản 1, Điều 30 Luật Quảng cáo năm 2012, theo đó người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ QCDL phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm dịch vụ QCDL đến cơ quan có thẩm quyền quản lý về quảng cáo của địa phương (Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch) trước khi thực hiện QCDL 15 (mười lăm) ngày. Trong trường hợp sản phẩm dịch vụ quảng cáo có biểu hiện vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, cơ quan nhà nước có quyền không đồng ý với sản phẩm dịch vụ quảng cáo và việc QCDL sẽ không được phép thực hiện. Thực tiễn triển khai các quy định của pháp luật về QCDL, trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực như: Các thương nhân và doanh nghiệp đã quan tâm xúc tiến quảng cáo sản phẩm dịch vụ, điểm đến du lịch trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế như CNN, Discovery, kênh truyền hình du lịch (Vietnam Journey) …; QCDL gắn với điện ảnh, truyền hình đặc biệt trong các phim “bom tấn”. Bên cạnh đó, các thương nhân cũng đẩy mạnh QCDL Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ, thực hiện e-marketing như sử dụng nền tảng internet, các website của ngành với nhiều ngôn ngữ, website riêng cho hoạt động xúc tiến quảng bá, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube, Tiktok… giúp thiết lập các quan hệ công chúng và mang lại những hiệu quả tốt. Các công cụ quảng cáo xúc tiến thông qua mạng xã hội và
nền tảng Internet đặc biệt hữu hiệu trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 khi không thể trực tiếp thực hiện xúc tiến ở nước ngoài.
* Tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật quảng cáo du lịch Bên cạnh những ưu điểm trong thực hiện QCDL như phân tích trên, việc thực hiện pháp luật về QCDL của thương nhân trong thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, cụ thể:
(i) Quy định về quảng cáo trên truyền hình và mạng internet còn thiếu cụ thể, chưa có quy định pháp luật để xử lý vi phạm
– Đối với quảng cáo du lịch trên truyền hình: Nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình. Ngày nay, truyền hình đã trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo. Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 92% – 95% khán giả truyền hình theo dõi hết ¾ thời lượng quảng cáo trên truyền hình, tức khoảng 100 người theo dõi quảng cáo thì chỉ có 5 – 8 người không xem hết ¾ thời lượng quảng cáo [152]. Điều đó chứng tỏ rằng, quảng cáo truyền hình tại Việt Nam vẫn được số đông khách hàng đón nhận. Chính vì thế, đây là hình thức mà các thương nhân, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch đến người tiêu dùng. Luật Quảng cáo năm 2012 có nhiều quy định chặt chẽ về quảng cáo trên truyền hình như: Quy định về thời điểm phát quảng cáo (khoản 3, Điều 22), thời lượng phát quảng cáo (khoản 10, Điều 2), nội dung phát quảng cáo (khoản 1, Điều 19), hình thức phát quảng cáo… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều quảng cáo tour du lịch xuất hiện với tần suất khá lớn và đôi khi phát tại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Việc một chương trình vi phạm thời lượng quảng cáo là rất phổ biến, một bộ phim 45 phút nhưng chen quảng cáo du lịch đến 3 – 4 lần, trước, trong và sau khi phát sóng, gây ra tình trạng khó chịu cho khán giả truyền hình. Một số quy định vẫn mang tính chung chung như “cấm quảng cáo sản phẩm dịch vụ trái với văn hóa” (khoản 3, Điều 8 của Luật Quảng cáo) mà chưa quy định rõ, cụ thể thế nào được gọi là “trái với văn hóa”, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau khi truyền hình thực hiện hoạt động quảng cáo.
– Đối với hình thức quảng cáo du lịch trên internet: Quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… hiện đang phát triển rất mạnh. Internet cung cấp các cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tìm hiểu xem khách hàng thích gì và không thích gì, mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp hướng các thông điệp tới các đối tượng mục tiêu nhưng vẫn thiết kế thông điệp phù hợp với từng nhóm dân cư và sở thích của mỗi nhóm. Khách hàng có thể xem thông tin của sản phẩm dịch vụ du lịch hoặc thậm chí đặt mua online dịch vụ du lịch đó. Điều đó có nghĩa là quảng cáo du lịch trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành QCDL theo đúng sở thích và thị hiếu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng quảng cáo du lịch một cách tự phát, khó kiểm soát vẫn diễn ra phổ biến mà chưa có biện pháp ngăn chặn. Mặc dù Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam và điều kiện và trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, nhưng các quy định này không nói rõ trách nhiệm kiểm duyệt nội dung quảng cáo và xử lý đối với những quảng cáo không phù hợp. Ngay tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày
15/7/2023 của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mới chỉ quy định một trong những hành vi bị cấm, có cả “hành vi quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm”. Quy định này cho thấy, pháp luật mới chỉ đề cập đến những hành vi quảng cáo sản phẩm dịch vụ bị cấm, và còn bỏ ngỏ đối với việc quảng cáo sản phẩm dịch vụ du lịch thông dụng trên các tài khoản cá nhân. Ngày 20/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2021/NĐ-CP  về  sửa  đổi,  bổ  sung  một  số  điều  của  Nghị  định  số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, đã bổ sung điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam. Theo quy định của Nghị định 70/2021/NĐ-CP, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google…) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ. Song cơ chế để triển khai hiệu quả quy định này trên thực tiễn vẫn chưa được đảm bảo và thực tế từ khi Nghị định 70/2021/NĐ-CP ra đời đến nay, tình trạng quảng cáo nói chung và quảng cáo du lịch sai sự thật, lừa đối khách hàng, quảng cáo du lịch bị cấm trên internet và mạng xã hội vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, rất khó kiểm soát được tính trung thực của thông tin quảng cáo, nhất là các quảng cáo về du lịch, nhiều người tiêu dùng bị lừa dối về các thông tin quảng cáo này.
Thực tiễn trong 05 năm trở lại đây, nhu cầu du khách đi du lịch tăng cao, nhiều đối tượng đã đưa ra những gói (combo), tour hoặc khách sạn giá rẻ để lừa đảo. Nhiều người vì ngại đi lại, không đến các công ty du lịch mà tìm thông tin trên mạng vì sự thuận tiện, nhanh chóng. Trong khi các tài khoản mạng xã hội rất dễ lập và xóa, khi bị lừa, khách hàng sẽ không biết tìm ai đòi lại tiền hoặc khiếu nại. Có một số trường hợp người tiêu dùng bị lừa dối qua hình thức quảng cáo du lịch này như sau:
Do có nhu cầu đi du lịch cuối năm 2022, chị N.T.T. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có đặt tour tham quan các tỉnh Tây Nam Bộ trên một tài khoản Facebook được giới thiệu là nhân viên tư vấn của công ty du lịch hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm. Sau khi được nhân viên tư vấn, chị T. đặt tour 4 ngày 3 đêm cho ba thành viên trong gia đình, với giá 8 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay, khách sạn 3 sao, các bữa ăn…Sau đó, chị T. chuyển cho người này 3 triệu đồng tiền đặt cọc. Tuy nhiên, gần đến ngày khởi hành, chị T. nhắn tin cho người chị đặt tour hỏi thủ tục thanh toán nốt số tiền còn lại và giờ lên máy bay thì không nhận được câu trả lời. Gọi điện theo số điện thoại người này cung cấp, chị T. cũng không nhận được hồi âm [143].
Tương tự, anh Hoàng Hiệp, trú tại thành phố Hải Phòng cũng là nạn nhân của tình trạng lừa đảo du lịch trên internet. Cuối tháng 12/2022 anh đăng bài tìm homestay ở Phú Quốc trên một trang Facebook chuyên về du lịch thì được một tài khoản có tên K.L. nhắn tin. Người này gửi ảnh về một căn phòng đẹp, nằm ngay sát biển với giá chỉ 1 triệu đồng/đêm. Anh Hiệp đăng ký ở 4 đêm, chuyển khoản trước 4 triệu đồng theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó, anh không còn liên lạc được với tài khoản K.L. Gọi điện đến homestay nêu trên thì được biết, giá phòng ở đây là 2 triệu đồng/đêm và chưa có ai đặt phòng cho anh. Đến lúc đó anh mới biết mình bị lừa [143].
Hiện nay, trên các trang web, trang mạng xã hội, diễn đàn về du lịch, không khó để bắt gặp các thông tin quảng cáo về những tour du lịch, khách sạn giá rẻ. Đáng chú ý, cùng một điểm đến, số ngày lưu trú và dịch vụ tương tự nhau, nhưng chênh lệch giữa các tour là khá cao.
Tại một nhóm có tên “Review du lịch…”, xuất hiện rất nhiều thông tin đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp khắp cả nước. Một tài khoản có tên “Manh Nguyen” đăng thông tin cho thuê nguyên căn biệt thự ở tỉnh Hòa Bình với giá chỉ 5 triệu đồng/đêm. Đã có khách du lịch thắc mắc về mức giá với những căn như vậy được rao trên trang web của những công ty có uy tín thường ở mức 7 đến 10 triệu đồng/đêm. Tài khoản “Manh Nguyen” cho biết, villa này có người đặt rồi, nhưng vì bận không đi được cho nên để lại với giá rẻ. Sau đó người này chụp ảnh đặt phòng của một người khách để tạo lòng tin, gửi ảnh villa nêu trên và yêu cầu chuyển khoản trước 50% số tiền nếu muốn thuê. Tuy nhiên, khi khách du lịch đem những bức ảnh khu villa trên cho hướng dẫn viên một công ty lữ hành uy tín thì được biết, bức ảnh đó là biệt thự của một khu nghỉ dưỡng ở tận… Indonesia [143].
Hay tình trạng quảng cáo du lịch sai sự thật của một cơ sở kinh doanh tại tỉnh Ninh Bình đăng thông tin quảng cáo sai sự thật trên một số trang đặt phòng trực tuyến có uy tín như: Agoda, Booking và Tripadvisor về một phòng nghỉ trong hang núi có giá trên 60 triệu đồng/đêm. Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phải có công văn đề nghị Văn phòng đại diện một số trang mạng liên quan rà soát, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật này.
Thực tiễn vẫn diễn ra quảng cáo du lịch trên mạng xã hội đối với dịch vụ du lịch bị cấm, cụ thể: Cuối tháng 4/2022, Ủy ban nhân dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Khánh Hòa về việc phối hợp thông báo không tổ chức, tiến hành hoạt động du lịch tại đảo Bình Ba và Hòn Chút (đảo Bình Hưng). Mặc dù có lệnh cấm tất cả các hoạt động du lịch tại đảo Bình Ba và Bình Hưng, thế nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện rất nhiều cá nhân, đơn vị rao bán tour đến hai đảo này. Xử lý vấn đề này, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, chỉ ban hành văn bản yêu cầu các công ty, doanh nghiệp hoạt động du lịch không tổ chức các tour đến đảo Bình Ba và Bình Hưng theo quy định.
Qua dẫn chứng thực tiễn, nhận thấy thực trạng pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ về chế tài và cách thức xử lý các vi phạm trong quảng cáo du lịch đang diễn ra trong đời sống pháp lý. Đây là một bất cập, trong XTDL của thương nhân, có khả năng ảnh hưởng cao đến quyền lợi của người tiêu dùng là khách du lịch.
(ii) Quy định về xin cấp phép xây dựng công trình quảng cáo du lịch chưa thống nhất, đồng bộ
Điểm a, khoản 2, Điều 31 Luật Quảng cáo quy định về việc phải xin cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo như sau: “Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông trở lên”; điểm c của Điều này quy định: “Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông trở lên”; điểm c, khoản 3, Điều 31 quy định về việc xin cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo thì một trong những loại giấy tờ cần phải có là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trong khi đó, theo quy định của Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, có thể hiểu đất dùng để xây dựng công trình quảng cáo là đất phi nông nghiệp, nhưng là loại đất nào trong loại đất phi nông nghiệp thì không rõ. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật xây dựng, công trình xây dựng quảng cáo thuộc loại công trình văn hóa mà công trình văn hóa hiện nay vẫn chưa được pháp luật đất đai đề cập đến. Ngoài ra, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp với mục đích ổn định, lâu dài, nhưng các công trình quảng cáo thường là những công trình tạm, diện tích đất cần dùng để xây dựng những công trình quảng cáo không nhiều. Những bất cập này gây ra nhiều khó khăn cho các thương nhân, doanh nghiệp quảng cáo du lịch.
(iii) Quy định về trách nhiệm của “Đại diện thương hiệu” quảng cáo du lịch còn bị bỏ ngỏ
Khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về một trong những hành vi bị cấm như sau: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Ngoài ra, khoản 7, Điều 109 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: Quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm dịch vụ.
Song, các quy định nêu trên mới chỉ đề cập đến hành vi bị cấm đối với doanh nghiệp quảng cáo. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sử dụng những hợp đồng thuê hình ảnh của những người nổi tiếng làm đại diện cho thương hiệu sản phẩm dịch vụ du lịch của mình. Hình thức quảng cáo này là được gọi là “Đại diện thương hiệu”. Mỗi lời nói hoặc hành động của người đại diện thương hiệu là sự bảo đảm chắc chắn về chất lượng, giá cả của sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các nhà cung ứng dịch vụ du lịch và doanh nghiệp quảng cáo du lịch đã tận dụng triệt để hình thức này trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch vụ du lịch của họ. Trong trường hợp dịch vụ không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu sẽ được đặt ra như thế nào, chế tài xử phạt đến đâu. Đây là vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ trong quy định của pháp luật quảng cáo du lịch hiện nay.
Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *