Bản thân khuyến mại du lịch chính là khuyến mại trong cung ứng dịch vụ du lịch, do đó pháp luật điều chỉnh KMDL hiện nay là Luật Thương mại năm 2005; Luật Du lịch năm 2017 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 do Chính phủ ban hành về quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Khoản 1, Điều 88 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định.
Như vậy, khuyến mại du lịch là cách thức, biện pháp thu hút khách hàng thông qua việc dành lợi ích cho khách hàng, bao gồm lợi ích vật chất (giảm giá sản phẩm dịch vụ du lịch) hay lợi ích phi vật chất (được cung ứng dịch vụ miễn phí). Việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để tác động tới thái độ và hành vi mua bán sản phẩm dịch vụ du lịch của họ là đặc trưng của khuyến mại để phân biệt với các hình thức XTTM khác.
Về đối tượng được khuyến mại hiện nay được quy định tại Điều 5 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ, theo quy định này, thì sản phẩm dịch vụ du lịch không thuộc đối tượng không được khuyến mại – tức sản phẩm dịch vụ du lịch được tiến hành khuyến mại để XTDL.
Vì vậy, KMDL chính là hoạt động khuyến mại được thực hiện trong lĩnh vực du lịch nhằm xúc tiến hoạt động du lịch, thu hút khách hàng trong hoạt động du lịch nhằm tặng thêm cho khách hàng các lợi ích kèm theo khi sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch. Mục đích chính của hoạt động khuyến mại đó chính là thu hút sự chú ý, quan tâm của khách hàng đến sản phẩm dịch vụ bằng cách tặng thêm cho khách hàng các lợi ích kèm theo khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình, thông qua đó tác động đến quyết định sử dụng sản phẩm dịch vụ của khách hàng, từ đó giúp thương nhân đẩy khả năng tiêu thụ được sản phẩm dịch vụ du lịch của mình.
* Về chủ thể thực hiện khuyến mại du lịch: Theo khoản 2 Điều 88 Luật Thương mại năm 2025, hoạt động KMDL sẽ do các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch thực hiện. Để thực hiện hoạt động KMDL thì những người cung cấp dịch vụ du lịch nói chung sẽ trực tiếp thực hiện. Để tăng cường cơ hội khuyến mại, thương nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thể tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại hoặc có thể thuê thương nhân khác khuyến mại sản phẩm dịch vụ của mình, tức là những thương nhân sẽ tự mình đưa ra các hình thức khuyến mại cho sản phẩm dịch vụ do chính mình cung ứng hoặc thuê hoàn toàn một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ này tư vấn cho hoạt động khuyến mại. Trong trường hợp này, quan hệ cung ứng này phải được hình thành trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khuyến mại giữa thương nhân kinh doanh dịch vụ XTDL và thương nhân có nhu cầu KMDL. Thương nhân kinh doanh dịch vụ XTDL thực hiện khuyến mại cho dịch vụ du lịch của thương nhân kinh doanh du lịch dựa trên cơ sở hợp đồng dịch vụ khuyến mại thì phải có đăng ký kinh doanh dịch vụ khuyến mại (không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận án).
Thương nhân thực hiện KMDL đối với các dịch vụ mà mình kinh doanh trên cơ sở quyền tự do kinh doanh, tự do XTDL trong khuôn khổ của quy định pháp luật mà không cần phải đăng ký.
* Các hình thức khuyến mại: Bản chất của hoạt động KMDL là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định khi sử dụng những sản phẩm dịch vụ trong du lịch. Dựa trên các yếu tố như mục đích của khuyến mại, kinh phí dành cho đợt khuyến mại, trạng thái cạnh tranh trên thương trường… Các thương nhân sẽ dành cho khách hàng những lợi ích nhất định như tặng quà giảm giá hay các lợi ích phi vật chất khác. Những khách hàng được hưởng khuyến mại có thể là người tiêu dùng hay thậm chí các trung gian cung cấp sản phẩm dịch vụ trong du lịch.
Mục đích của KMDL đó chính là xúc tiến việc cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch. Theo tinh thần của Luật Thương mại năm 2005 và các văn bản hướng dẫn, khuyến mại luôn có mục đích chính là xúc tiến cung ứng sản phẩm dịch vụ, đây chính là mục đích quan trọng của hoạt động khuyến mại. Để có thể bán được nhiều sản phẩm dịch vụ trong du lịch hay giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới về du lịch, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch phải tăng cường khuyến mại. Thông qua đó, các nhà phân phối trung gian sẽ chú ý hơn đến các sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng, du khách tăng lên, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ trong du lịch hơn, hoạt động du lịch trở nên sôi động, tấp nập hơn.
Thương nhân kinh doanh du lịch có thể lựa chọn áp dụng 09 hình thức khuyến mại chính được nêu trong Điều 92 Luật Thương mại năm 2005 gồm: (i) Dùng thử sản phẩm dịch vụ; (ii) Tặng quà; (iii) Giảm giá; (iv) Cung ứng dịch vụ có tặng phiếu sử dụng dịch vụ; (v) Cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi có thưởng; (vi) Tổ chức các chương trình có tính may rủi; (vii) Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên; (viii) Các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại du lịch; (ix) hoặc có thể áp dụng hình thức khuyến mại khác nhưng hình thức này phải đảm bảo không vi phạm quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Thương nhân có thể thực hiện những hình thức KMDL khác nhau này nhằm tác động trực tiếp đến người tiêu dùng hoặc trực tiếp đến các trung gian phân phối dịch vụ. Khi thực hiện KMDL bằng các hình thức theo luật định, các thương nhân phải tuân thủ những nguyên tắc thực hiện hoạt động khuyến mại quy định tại Điều 3 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, nhằm đảm bảo hoạt động KMDL lành mạnh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, khách du lịch và của xã hội.
* Thủ tục triển khai khuyến mại du lịch: Khi thực hiện các hình thức
KMDL (ngoại trừ hình thức cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch, bán sản phẩm dịch vụ du lịch kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi và hình thức tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích KMDL) thì doanh nghiệp chỉ cần
gửi thông báo về chương trình khuyến mại đến Sở Công Thương nơi tổ chức KMDL tối thiểu trước 03 ngày làm việc trước khi thực hiện KMDL. Đối với khuyến mại trong du lịch với hình thức bán sản phẩm dịch vụ du lịch, cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua sản phẩm dịch vụ du lịch và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình KMDL mang tính may rủi) thì các thương nhân phải đăng ký thực hiện hoạt động KMDL.
* Quyền và nghĩa vụ của thương nhân khi thực hiện khuyến mại du lịch: Các thương nhân kinh doanh du lịch, khi thực hiện KMDL phải thực hiện theo các quyền và nghĩa vụ luật định tại Điều 95, Điều 96 Luật Thương mại năm 2005. Một nghĩa vụ quan trọng trong thực hiện KMDL chính là công bố thông tin về chương trình KMDL. Việc công bố thông tin này để mọi người biết về chương trình KMDL đó, phổ biến rộng rãi chương trình khuyến mại. Việc công bố thông tin phải thực hiện công bố đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo luật định. Ngoài ra, trong khi tiến hành các hoạt động KMDL, thương nhân không được vi phạm các hành vi bị cấm khi thực hiện khuyến mại.
* Tồn tại, hạn chế trong thực hiện pháp luật khuyến mại du lịch
Dù các hình thức KMDL đã được pháp luật quy định khá chi tiết, nhưng trên thực tế việc áp dụng các hình thức này còn có nhiều sự nhầm lẫn. Nhiều thương nhân đã lợi dụng những “ranh giới” mỏng manh giữa các hình thức này để thực hiện hoạt động KMDL mập mờ, có tính chất lừa đảo, cạnh tranh không lành mạnh.
(i) Pháp luật chưa có quy định ràng buộc thương nhân phải chịu trách nhiệm trong khuyến mại du lịch và chưa có chế tài xử lý đối với thương nhân có vi phạm trong khuyến mại du lịch
Thực tế xuất hiện có nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch đưa ra hình thức KMDL là các tour du lịch 0 đồng, tour giá rẻ. Khách du lịch mua sản phẩm du lịch gồm chi phí vé máy bay (tàu, thuyền, ô tô), phí visa, dịch vụ khách sạn và chương trình du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức chi phí thực tế mà
doanh nghiệp phải chi trả. Tour 0 đồng, tour âm đồng là tour mà công ty đón khách không thu bất kỳ một chi phí nào, thậm chí trả tiền ngược lại cho các công ty gửi khách, hiện tượng này còn được gọi là “mua đoàn” [137], [161].
Xét về khía cạnh phát triển du lịch, nhìn nhận một cách khách quan, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, âm đồng vẫn có tính chất quảng bá, giới thiệu du lịch địa phương, đất nước, tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương, nhất là Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển du lịch đại chúng, đây cũng vẫn là xu hướng chung của du lịch thế giới. UNWTO và các quốc gia thường lấy lượng khách là một trong hai tiêu chí quan trọng hàng đầu khi thống kê và đánh giá về mức độ thành công phát triển của một quốc gia, điểm đến. Khi khách du lịch đặt chân vào Việt Nam thì khó có thể không sử dụng các dịch vụ tại điểm đến, chẳng hạn như thuê phòng, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa), phương tiện đi lại. Tour 0 đồng, âm đồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Vào mùa cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, các công ty gửi khách không nhất thiết phải giảm giá tour đến mức thấp nhất, nhưng ngược lại, vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao và thấp điểm trong ngành du lịch.
Xét về khía cạnh pháp luật, các tour du lịch giá rẻ, tour du lịch 0 đồng này về bản chất là một hình thức KMDL dưới dạng tặng miễn phí dịch vụ du lịch. Các thương nhân thực hiện hoạt động này thường thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến để bù lại phần chi phí đầu vào gồm khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển và phí visa.
Dù vậy, tour giá rẻ về lâu dài có thể làm xấu hình ảnh của điểm đến nếu không được quản lý một cách có hiệu quả. Việc tìm kiếm doanh thu từ mua sắm hàng hóa dịch vụ ngoài tour để bù đắp cho chi phí tổ chức tour đã tạo ra sức ép lớn cho các công ty lữ hành gửi khách, nhận khách và hoạt động quản lý điểm
đến, một số lại biến tướng trở thành việc ép buộc khách du lịch phải mua hàng, nếu không sẽ bị bỏ rơi tại điểm du lịch. Một số nguồn thu từ các dịch vụ mua bán hàng hóa của khách du lịch chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến không kiểm soát được doanh số và thất thu thuế. Bên cạnh đó, việc thanh toán, giao dịch trực tuyến của khách du lịch (thông qua thiết bị chấp nhận thẻ (máy POS), thanh toán bằng QR code, các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh…) không thông qua hệ thống ngân hàng, vi phạm quy định pháp luật về quản lý và thanh toán ngoại tệ tại Việt Nam. Những hành vi như vậy có thể vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng [151], [155].
Hiện tại, pháp luật hiện hành chưa có quy định trách nhiệm ràng buộc thương nhân phải chịu trách nhiệm và chế tài xử lý đối với thương nhân trong vấn đề khuyến mại. Vì vậy, thực tiễn đã xảy ra tình huống như trên người tiêu dùng là khách du lịch do nhẹ dạ tin vào chuyến “du lịch 0 đồng”, “du lịch giá rẻ” mà đã có rất nhiều người tiêu dùng trở thành nạn nhân, đến khi nhận ra số tiền mình bị mất oan thì đã quá muộn do bị lừa từ việc khuyến mại tặng voucher du lịch, cách thức phổ biến mà hiện nay các doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để lừa gạt người tiêu dùng là khách du lịch như sau [165]:
– Mời tham gia hội thảo, sự kiện du lịch để khuyến mại tặng voucher: giảm giá vé máy bay/khách sạn…, cụ thể các doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để lừa đảo gọi điện mời tham dự hội thảo, sự kiện du lịch với nội dung: “Mời anh/chị đến buổi hội thảo, sự kiện để nhận voucher du lịch miễn phí/voucher giảm giá du lịch” kèm theo cam kết không yêu cầu người tham gia phải bỏ ra bất cứ một khoản phí nào. Khi có mặt tại địa điểm theo lời mời, nhiều người được tặng voucher của resort/khách sạn nhưng để được sử dụng voucher hoặc nhượng lại cho người khác nếu không có nhu cầu sử dụng, người tiêu dùng phải đặt cọc ngay giữ chỗ. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị hợp đồng và được tặng thêm quà, tiền mặt… Một thời gian sau khi đã chuyển tiền cọc, người tiêu dùng mới phát hiện ra voucher không thể sử dụng còn công ty kia thì không liên lạc được nữa.
– Tặng voucher “du lịch 0 đồng” để bán dịch vụ du lịch: Các doanh nghiệp lừa đảo tặng voucher “du lịch 0 đồng” và cam kết tài trợ toàn bộ chi phí chuyến đi. Khi đến địa điểm du lịch, phía đơn vị tổ chức sẽ dùng đủ chiến thuật để người tiêu dùng phải “móc tiền” cho các món hàng đắt đỏ so với giá trị thực tế hay có những món hàng còn đã quá hạn sử dụng hoặc không rõ xuất xứ. Người tiêu dùng sẽ phải mua các món hàng được chào bán với giá cao ngất ngưởng hoặc sẽ phải trả chi phí cho chuyến đi nếu không mua hàng.
(ii) Thủ tục hành chính về khuyến mại du lịch của thương nhân còn bất cập; việc trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách Nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thương nhân
* Trong những năm gần đây, số lượt hồ sơ thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại do các Sở Công Thương trên toàn quốc tiếp nhận và giải quyết càng ngày càng tăng cao, đặc biệt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận hơn 60.000 lượt hồ sơ trong năm 2022) và thành phố Hà Nội (Sở Công Thương thành phố Hà Nội tiếp nhận hơn 40.000 lượt hồ sơ trong năm 2022) [110, tr.279]. Vì vậy, áp lực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của các Sở Công Thương là rất lớn, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước không được đảm bảo, các doanh nghiệp cũng mất nhiều thời gian, chi phí để thực hiện thủ tục hành chính.
Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động XTDL hiện đã cắt giảm thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại trong một số trường hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng dưới các hình thức khuyến mại được quy định tại khoản 1, Điều 17 và các chương trình khuyến mại chỉ thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến. Sau khi quy định này được ban hành, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khuyến mại vẫn được đảm bảo, trong khi nhiều chương trình khuyến mại nói chung và KMDL nói riêng không phải thực hiện thủ tục hành chính đã đem lại nhiều thuận lợi, cắt giảm nhiều thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào các năm 2020 và 2021, đã có tình trạng doanh nghiệp không thể nộp, gửi hồ sơ báo cáo đến cho cơ quan quản lý nhà nước do các quy định về hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương. Song Luật Thương mại cũng như Nghị định hướng dẫn chưa có quy định để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp trong các trường hợp bất khả kháng, nhất là trách nhiệm thực hiện báo cáo của doanh nghiệp cũng như kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Mặc khác, theo quy định tại các mẫu trong phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP, chỉ có người đại diện theo pháp luật của thương nhân mới có quyền ký tên vào các mẫu để gửi đến cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, hầu hết tại các doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của thương nhân đã ủy quyền cho các đại diện khác của thương nhân trong các hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc quy định như tại các mẫu của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP sẽ gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và báo cáo các hoạt động đến cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai các quy định của pháp luật về KMDL rất nhiều địa phương và doanh nghiệp trong toàn quốc nêu lên những vướng mắc, bất cập của pháp luật về khuyến mại hiện hành liên quan đến các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, nhiều thủ tục về KMDL, cụ thể như: thủ tục hành chính thông báo khuyến mại, thành phần hồ sơ thông báo khuyến mại; hạn mức tối đa dùng để khuyến mại; thủ tục cần đáp ứng để thương nhân được sự xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện KMDL và quyền của thương nhân khi bị từ chối xác nhận việc đăng ký chương trình KMDL [110, tr.279]. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, thiếu cơ sở của cơ quan công quyền khi thực hiện quyền hạn của mình và có khả năng làm cho quyền tự do hoạt động KMDL của thương nhân khó được thực hiện một cách đầy đủ. Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân của việc nhiều chương trình KMDL được thực hiện nhưng chưa làm thủ tục đăng ký.
* Một số quy định của pháp luật về KMDL chưa nhận được sự đồng thuận của các thương nhân, cụ thể khoản 4, Điều 96 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Đối với một số hình thức khuyến mại theo quy định tại khoản 6, Điều 92 của Luật này, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng”. Việc quy định như vậy là không đảm bảo quyền lợi của thương nhân hoạt động KMDL, bởi lẽ mục đích của ban hành quy định này là nhằm hạn chế tình trạng KMDL gian dối, thiếu trung thực của thương nhân khi tham gia KMDL, nhưng quy định này lại có nhược điểm là không phù hợp với lợi ích kinh doanh của các thương nhân trung thực trong thực hiện KMDL. Do đó, việc quy định trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng vô hình chung đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của thương nhân [110, tr.280].
Mặt khác, khi cụ thể hóa quy định này, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt
động XTDL cũng có các bất cập sau:
– Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ hiện quy
định: “Việc xác định trúng thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải có sự chứng kiến của khách hàng …” mà không nêu rõ sự chứng kiến của khách hàng là trực tiếp hay gián tiếp nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt tại thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải tổ chức xác định trúng thưởng trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian khuyến mại và có sự chứng kiến trực tiếp của khách hàng.
– Tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định: “Giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi quy định tại khoản 4 Điều này là giải thưởng trong trường hợp hết thời hạn trao thưởng nhưng không có người nhận hoặc không xác định được người trúng thưởng”. Trong thời gian qua, nhiều trường hợp doanh nghiệp trao giải thưởng cho khách du lịch trúng thưởng quá thời hạn quy định do nguyên nhân từ phía khách hàng hoặc nguyên nhân bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì việc trao giải thưởng cho khách hàng (khách du lịch) đúng trong thời hạn quy định tại khoản 1, Điều 21 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP (trong vòng 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện khuyến mại) là rất khó khăn. Theo như quy định tại khoản 5, Điều 13 nêu trên, những giải thưởng trao cho khách hàng trúng thưởng quá thời hạn này sẽ là giải thưởng không có người trúng thưởng và doanh nghiệp sẽ phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước cho dù đã trao được giải thưởng cho khách hàng. Như vậy, đây là một trong những bất cập, khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh du lịch mặc dù các doanh nghiệp đã cố gắng trao giải thưởng và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Mã đề tài 022