Phát triển tín dụng chính sách bền vững

Thực trạng phát triển tín dụng chính sách bền vững tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Về phát triển mô hình hoạt động

– Về tính hướng đến mục tiêu chính sách của Nhà nước và không vì mục đích lợi nhuận: NHCSXH được xây dựng theo mô hình ngân hàng chính sách thuộc sở hữu 100% của Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. 100% nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đều được cho vay các chương trình có ý nghĩa đối với phát triển bền vững đất nước với mục tiêu phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách, yếu thế trong xã hội. Các đối tượng chính sách được vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập chủ động, thoát nghèo và tạo sinh kế lâu dài, bên cạnh đó họ còn được vay vốn để cho con cái được tiếp cận giáo dục đầy đủ, được vay vốn để cải thiện đời sống, nhà ở, vệ sinh môi trường…; góp phần vào ổn định và phát triển KH-XH trên phạm vi cả nước.

– Về khả năng của mô hình để xử lý các đặc thù đặc biệt của hoạt động TDCSBV: NHCSXH có địa vị pháp lý rõ ràng, là ngân hàng chính sách của Nhà nước, mô hình tổ chức hoạt động vận dụng theo cơ chế quy định áp dụng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Bên cạnh đó, mô hình của NHCSXH hoạt động theo hệ thống các quy định riêng biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có nhiều yếu tố đặc thù, khác biệt so với các ngân hàng thương mại hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các yếu tố đặc thù trong mô hình hoạt động này là nhằm mục đích thực hiện tốt nhất TDCS của Nhà nước cho người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

– Về tính phù hợp của mô hình trong việc thực hiện hoạt động tín dụng vi mô: Thực tế triển khai hoạt động tín dụng tại NHCSXH cho thấy NHCSXH cho vay các khoản vốn vay với quy mô nhỏ, giai đoạn trước đây thường là dưới 50 triệu/hộ gia đình hoặc cá nhân, từ năm 2018 đến năm 2022 thì các chương trình tín dụng dần được nâng mức cho vay lên khoảng 100 triệu đồng/hộ gia đình hoặc cá nhân. Điều kiện cho vay của NHCSXH tương đối đơn giản, thông thường khách hàng thuộc đối tượng vay vốn theo quy định của từng chương trình (hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn…) sẽ được xem xét cho vay vốn và không cần bảo đảm tiền vay. Tuy điều kiện cho vay đơn giản nhưng thông qua mô hình cho vay đặc thù ủy thác qua các tổ chức CTXH và phương thức quản lý rủi ro thông qua các Tổ TKVV, NHCSXH đã duy trì được tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh thấp. Lãi suất cho vay của NHCSXH không quá thấp nhưng cũng không cao so với thị trường, đảm bảo giúp đối tượng vay vốn có trách nhiệm đối với khoản vay của mình, sử dụng vốn vay đúng mục đích để có tiền tích lũy trả nợ đầy đủ.

– Về mô hình hệ thống của NHCSXH, từ sơ đồ tại Hình 2.1 nêu trên có thể thấy hệ thống NHCSXH được xây dựng theo hai trục ngang và dọc với HĐQT là cơ quan đứng đầu:

+ HĐQT có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là chủ tịch, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức CT-XH là ủy viên, bao gồm: Ủy ban dân tộc, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, VPCP, BTC, BKHĐT, Ngân hàng Nhà nước, BLĐTBXH, BNNPTNT, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban Tổng giám đốc NHCSXH, Ban Kiểm soát NHCSXH.

+ Theo chiều ngang, ở cấp Trung ương có các đơn vị Hội sở chính, Ban Kiểm soát và Ban chuyên gia tư vấn có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ và kiểm soát lẫn nhau.

+ Theo chiều dọc, bộ máy điều hành có Hội sở chính chỉ đạo trực tiếp xuống Chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và dưới các Chi nhánh là Phòng giao dịch quận, huyện. Từ Phòng giao dịch quận, huyện có thể cho vay trực tiếp đến người vay, hoặc có thể thông qua UBND, Ban giảm nghèo xã, phường và các Tổ tiết kiệm & vay vốn để cho vay tới người vay tại địa phương.

+ Bên cạnh đó, tại mỗi cấp tỉnh và cấp huyện đều có Ban đại diện HĐQT tỉnh, thành phố và Ban đại diện HĐQT quận, huyện. Ban đại diện HĐQT các cấp có quan hệ giám sát, chỉ đạo triển khai TDCS tới các Chi nhánh, Phòng giao dịch của Bộ máy điều hành, đồng thời sẽ báo cáo trực tiếp lên HĐQT cấp trên để nắm bắt tình hình một cách độc lập nhằm có các chỉ đạo về định hướng quản trị phù hợp.

Về phát triển hệ thống triển khai

Về năng lực bao phủ

NHCSXH được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Xuất phát từ yêu cầu phải tập trung nguồn lực, nhất là vốn, NHCSXH cần có một bộ máy tổ chức và quản lý với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách tín dụng. Theo Quyết định số 16/2003/QĐ-TTg ngày 22/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của NHCSXH, mô hình tổ chức quản lý của NHCSXH theo phương thức các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia ban hành chính sách, còn điều hành hoạt động của ngân hàng là Tổng Giám đốc. Đồng thời, với sự tham gia của các tổ chức CT-XH vào hoạt động dịch vụ ủy thác, tín dụng của NHCSXH đã được tạo điều kiện để tới được các đối tượng thụ hưởng chính sách một cách kịp thời, thuận lợi, công khai, dân chủ và công bằng.

Theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, bộ máy của NHCSXH bao gồm 3 cấp: Hội sở chính ở Trung ương, Chi nhánh cấp tỉnh và Phòng giao dịch ở cấp huyện, ở mỗi cấp đều có bộ máy quản trị và bộ máy tác nghiệp điều hành.

Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội: Có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ hoạt động của cả hệ thống NHCSXH, bao gồm: Ban Lãnh đạo (Tổng Giám đốc và các Phó Tổng giám đốc), 13 ban chuyên môn nghiệp vụ (Tổ chức cán bộ, Thi đua – Khen thưởng, Kế hoạch nguồn vốn, Tín dụng người nghèo, Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác, Quản lý và xử lý nợ bị rủi ro, Kế toán và quản lý tài chính, Xây dựng cơ bản, Hợp tác quốc tế và truyền thông, Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Tài vụ, Pháp chế, Văn phòng), Sở Giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin. Ngoài ra, còn có Văn phòng Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Văn phòng Công đoàn.

Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: gồm 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc với cơ cấu tổ chức gồm: Ban Giám đốc và 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ (phòng Kế hoạch Nghiệp vụ tín dụng, phòng Kế toán ngân quỹ, Phòng Hành chính tổ chức, Phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ và Phòng tin học) với số cán bộ khoảng 28 – 32 người.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc Chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh: Gồm 631 Phòng giao dịch với cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám đốc và 2 tổ chuyên môn nghiệp vụ (tổ Kế hoạch nghiệp vụ và tổ Kế toán). Điều hành Phòng giao dịch quận, huyện là Giám đốc, giúp việc Giám đốc gồm các Phó giám đốc và các Tổ trưởng nghiệp vụ, mỗi phòng giao dịch có biên chế từ 7 – 11 người.

Điểm giao dịch tại xã: Để tạo điều kiện cho khách hàng trong quá trình vay vốn, trả nợ, NHCSXH thành lập gần 10.900 Điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn.

 Về năng lực triển khai

Với cơ cấu tổ chức như hiện nay, công việc hoạch định chính sách, tham mưu hoạch định chính sách tín dụng được tập trung chủ yếu tại Hội sở chính và các hoạt động tác nghiệp điều hành được diễn ra tại Điểm giao dịch xã do các Phòng Giao dịch cấp huyện thực hiện. Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh và cấp huyện chủ yếu thực hiện nhiệm vụ giám sát thực hiện chính sách tín dụng tại địa phương. Nhằm tăng cường năng lực quản trị hoạt động tín dụng chính cách tại cơ sở, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện nhằm tăng cường vai trò của mình trong việc quản lý, giám sát hoạt động TDCS trên địa bàn, góp phần tích cực cho việc củng cố chất lượng và nâng cao hiệu quả TDCS trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với công tác phát triển KT-XH. Đến nay, gần 100% Chủ tịch UBND cấp xã trên phạm vi cả nước đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ sung vào thành phần Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Điều 5 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002, NHCSXH và bốn tổ chức CT-XH gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ký kết văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận về tổ chức thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Về năng lực quản lý

Mô hình tổ chức quản lý tín dụng của NHCSXH từ khi thành lập dần hoàn thiện hơn thông qua việc bổ sung một số tổ chức CT-XH vào HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp. Mô hình này với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các tổ chức CT-XH các cấp và đặc biệt là mạng lưới các Tổ TK&VV đã tăng cơ hội tiếp cận của người nghèo và các đối tượng chính sách khác với nguồn vốn TDCS cũng như làm gia tăng hiệu quả của việc sử dụng vốn vay đối với người thụ hưởng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Ngoài ra thời gian qua, NHCSXH tiếp tục nâng cấp, cải tiến và triển khai mới nhiều phần mềm ứng dụng hỗ trợ hiệu quả các mặt hoạt động, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của NHCSXH, cụ thể:

– Từ đầu năm 2014, NHCSXH đã triển khai chính thức hệ thống phần mềm lõi ngân hàng – Intellect Corebanking. Phần mềm này được thiết kế theo kiến trúc hướng dịch vụ cho phép ngân hàng sử dụng để giao dịch và quản lý nghiệp vụ ngân hàng theo đặc thù, phù hợp với mô hình hoạt động của NHCSXH. Hệ thống CoreBanking hiện nay đang quản lý trên 11 triệu khách hàng, gần 9 triệu tài khoản tiền gửi và gần 9 triệu khoản vay, hỗ trợ hoạt động giao dịch tại gần 11 nghìn điểm giao dịch xã và hơn 700 đơn vị thực hiện giao dịch trên Intellect Online. Toàn bộ dữ liệu này được lưu trữ tập trung và ứng dụng cho Hội sở chính, chi nhánh tỉnh/thành phố và phòng giao dịch NHCSXH.

– Việc sử dụng phần mềm thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad)
phiên bản 4.0.0.6 cũng đã giúp cho NHCSXH tiếp cận với dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng trong việc thanh toán; Hiện nay, đây là kênh thanh toán nhanh và thuận tiện nhất đối với khách hàng của NHCSXH.

– Cùng với việc phát triển hệ thống ứng dụng phục vụ giao dịch, NHCSXH chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển hệ thống thông tin báo cáo đáp ứng đầy đủ chế độ báo cáo thống kê theo quy định, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và giám sát từ xa. Trên cơ sở hệ thống ứng dụng thông tin báo cáo, NHCSXH thường xuyên nâng cấp, phát triển hỗ trợ tích cực cho công tác quản trị điều hành và hoạt động nghiệp vụ.

– Bên cạnh đó, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị nội bộ, NHCSXH đã xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản trị như: Quản lý nhân sự, Quản lý hành chính, Quản trị vận hành, Quản lý đào tạo, Quản lý sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, Thi đua khen thưởng. Hệ thống phần mềm này đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, quản lý tập trung thông tin đảm bảo tính chính xác, tiết giảm chi phí, qua đó góp phần nâng cao được hiệu quả hoạt động TDCS.

– Ngoài ra, NHCSXH cũng tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống an ninh bảo mật để đảm bảo an toàn cho hoạt động của Ngân hàng.

Về phát triển các chương trình tín dụng

Dư nợ các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2018 – 2022

Đơn vị tính: Tỷ đồng

STT Chương trình Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
1 Cho vay hộ nghèo 38.014 34.851 33.093 27.479 31.302
2 Cho vay hộ cận nghèo 30.142 31.784 32.935 36.062 39.599
3 Cho vay hộ mới thoát nghèo 28.293 34.422 37.378 43.612 43.608
4 Cho vay giải quyết việc làm 15.233 21.737 27.569 39.946 61.074
5 Nhóm cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 13.046 11.020 10.226 10.243 12.549
6 Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 29.898 35.040 37.811 44.398 48.979
7 Cho vay nhà trả chậm vùng đồng bằng sông Cửu Long 786 670 616 462 354
8 Cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài 774 959 920 592 744
9 Cho vay hộ nghèo về nhà ở 5.142 4.842 4.655 3.693 3.365
10 Cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 21.123 24.092 25.961 27.550 25.118
11 Cho vay thương nhân vùng khó khăn 230 223 212 188 126
12 Nhóm chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số 2.146 2.242 2.230 2.048 2.789
13 Cho vay hộ nghèo làm chòi tránh lũ 189 198 198 192 172
14 Cho vay hộ, cơ sở sản xuất sử dụng lao động sau cai nghiện ma túy 1 1 0,2 0,07 0,02
15 Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi 212 348 388 405 314
16 Cho vay nhà ở xã hội 905 2.397 3.339 6.580 10.558
17 Nhóm chương trình cho vay dự án nước ngoài 556 475 435 319 278
18 Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động do Covid-19       7 0
19 Cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất       2.291 203
20 Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập         194
21 Cho vay khác 1.102 1.504 1.596 1.901 2.023
  Tổng cộng 187.792 204.979 224.429 247.970 283.348

Nguồn: Báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động của NHCSXH

Chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11/3/2003, NHCSXH đã khẩn trương tổ chức bộ máy từ Trung ương đến địa phương, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH để nhanh chóng đưa nguồn vốn tín dụng tới tay người nghèo. Khởi điểm với ba chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho vay HSSV nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương Việt Nam, cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước, đến nay, NHCSXH đã triển khai hơn 20 chương trình TDCS cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/12/2022, tổng dư nợ của NHCSXH đạt 283.348 tỷ đồng, tăng gấp hơn 35 lần so với thời điểm nhận bàn giao với tăng trưởng tín dụng bình quân cả giai đoạn là khoảng hơn 20%/năm.

Theo cơ cấu dư nợ cho vay của NHCSXH cho thấy mặc dù NHCSXH thực hiện hơn 20 chương trình TDCS, tuy nhiên dư nợ của NHCSXH tập trung chủ yếu vào 08 chương trình tín dụng lớn, chiếm 97%/tổng dư nợ, bao gồm: Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo 11%; hộ cận nghèo 14%; hộ mới thoát nghèo 15%; chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) 5%; chương trình giải quyết việc làm 22%; chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 9%; chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 17% và chương trình cho vay nhà ở xã hội 4%.

Xét trên khía cạnh về TDCSBV thì phần lớn các chương trình tín dụng của NHCSXH là thuộc 02 lĩnh vực phát triển kinh tế và an sinh xã hội, rất ít chương trình về môi trường (chỉ có chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn).

Về phát triển nguồn nhân lực

Bảng 2.2: Nguồn nhân lực tại Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2018 – 2022

STT   Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
1 Số lượng lao động bình quân 10.063 10.168 10.168 10.168 10.303
2 Tiền lương bình quân (triệu đồng) 21.5 21.7 22 (Chưa phê duyệt) (Chưa phê duyệt)

Nguồn: Báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động của NHCSXH

 Về số lượng người lao động

– Kể từ khi mới thành lập chỉ với 498 cán bộ (từ Ngân hàng Phục vụ Người nghèo chuyển sang), đến năm 2022, NHCSXH đã xây dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ với 10.303 người lao động làm việc tại Hội sở chính, Sở giao dịch, Trung tâm đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin, 63 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh và 631 Phòng giao dịch cấp huyện.

– Về phân bổ người lao động:

+ Phân bổ theo vị trí công việc: Khoảng 2% người lao động của NHCSXH làm ở các vị trí quản lý; 83% người lao động làm ở vị trí chuyên môn, nghiệp vụ; 15% người lao động làm ở vị trí thừa hành, phục vụ.

+ Phân bổ theo nơi làm việc: Khoảng 2% người lao động của NHCSXH làm việc tại Hội sở chính Trung ương; 22% người lao động làm việc tại các Hội sở chi nhánh cấp tỉnh; và 76% làm việc tại các Hội sở chi nhánh cấp tỉnh. Phần lớn người lao động của NHCSXH đều được phân bổ tập trung tại các Phòng giao dịch cấp huyện do đây là cấp đơn vị thực hiện phần lớn công việc của ngân hàng, có vai trò quan trọng trong việc triển khai TDCS, tiếp xúc trực tiếp với các đối tượng vay vốn tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trung bình mỗi Phòng giao dịch cấp huyện có hơn 10 người lao động.

 Về chất lượng người lao động

– Trong hệ thống NHCSXH, khoảng 6% người lao động là tiến sỹ, thạc sỹ, 71% người lao động có trình độ đại học, 8% người lao động có trình độ Cao Đẳng, Trung cấp, còn lại 15% là người lao động có các trình độ khác.

– Bộ máy điều hành tác nghiệp của NHCSXH là những cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản lý, tâm huyết với ngành, tận tụy với công việc; kiên định thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở cấp địa phương cơ bản đều được đào tạo để có sự thấu hiểu và thông cảm cho các đối tượng vay vốn của NHCSXH, có hệ kỹ năng mềm phù hợp để tiếp xúc, làm việc với người dân tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng yếu thế trong xã hội, vốn là những đối tượng có sự khác biệt rất lớn so với các khách hàng truyền thống của ngân hàng thương mại.

Về tuyển dụng và sử dụng người lao động

– Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm sau, NHCSXH sẽ lập kế hoạch hoạt động trong đó dự kiến số dư nợ các chương trình TDCS tăng lên, số khách hàng tăng lên theo địa bàn từng Chi nhánh cấp tỉnh và Phòng giao dịch cấp huyện. Với khối lượng công việc được giao tăng lên, căn cứ vào đặc tính khó khăn của từng địa bàn (khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo), NHCSXH sẽ lập kế hoạch lao động cho năm tiếp theo, trong đó tăng cường thêm lực lượng lao động làm công tác tín dụng cho các Phòng giao dịch huyện có dư nợ tăng cao, địa bàn hoạt động rộng, đi lại khó khăn để đảm bảo việc triển khai và quản lý hiệu quả nguồn vốn TDCS được Chính phủ giao.

– Tại NHCSXH, các Phòng giao dịch huyện quản lý dư nợ trên 400 tỷ đồng và quản lý trên 12.000 khách hàng vay vốn thường được bố trí trên 10 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ/01 Phòng giao dịch tùy vào quy mô quản lý và mức độ khó khăn của địa bàn hoạt động (tính theo số điểm giao dịch xã/01 Phòng giao dịch); các Phòng giao dịch huyện quản lý dư nợ từ 200 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng và quản lý từ 8.000 đến 12.000 khách hàng vay vốn thì thường được bố trí khoảng 10 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ/01 Phòng giao dịch. Do đó, căn cứ vào dự kiến hoạt động năm sau, NHCSXH sẽ lập kế hoạch sử dụng lao động, trong đó bao gồm việc tuyển dụng bổ sung để bù đắp cho các Phòng giao dịch còn thiếu nhân lực hoặc luân chuyển cán bộ giữa các Phòng giao dịch. Ban điều hành NHCSXH sẽ trình kế hoạch sử dụng lao động để HĐQT NHCSXH xem xét, phê duyệt để thực hiện.

Về đào tạo, bồi dưỡng người lao động

– Hằng năm, NHCSXH đều nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ với nhiều nội dung để phù hợp với tình hình thực tiễn của NHCSXH như:

+ Đào tạo để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao kỹ năng làm việc đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh;

+ Đào tạo nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng làm việc cho cán bộ làm công tác tín dụng, kế toán, kiểm tra nội bộ, tin học;

+ Đào tạo nâng cao kỹ năng và phương pháp tập huấn cho cán bộ ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tập huấn cho cán bộ tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV, Ban giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn;

+ Đào tạo nghiệp vụ cơ bản đối với cán bộ mới tuyển dụng.

– NHCSXH cũng đã thực hiện tiêu chuẩn hoá viên chức chuyên môn nghiệp vụ trên cơ sở quy định của Nhà nước có tính đến đặc thù của NHCSXH, đảm bảo phù hợp với điều kiện và môi trường hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có chế độ ưu tiên trong công tác tuyển dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời có cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút cán bộ đến làm việc tại các vùng khó khăn, đặc biệt là các huyện nghèo.

 Về phát triển nguồn tài lực

Nguồn tài lực tại Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2018 – 2022

Đơn vị tính: tỷ đồng

STT   Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022
  TỔNG NGUỒN VỐN 194.420 211.893 233.545 256.405 297.738
1 Vốn do ngân sách Trung ương cấp 31.502 35.591 37.603 39.386 42.578
1.1 Vốn điều lệ 13.893 17.288 18.271 19.023 22.185
1.2 Vốn cấp thực hiện các chương trình 17.610 18.303 19.333 20.364 20.393
2 Vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ 13.855 12.162 10.764 11.861 12.259
2.1 Vốn vay Ngân hàng Nhà nước 13.251 11.624 10.288 11.451 11.914
2.2 Vốn vay Kho bạc Nhà nước 0 0 0 0 0
2.3 Vốn vay và ủy thác nước ngoài 604 538 475 410 345
3 Vốn huy động và vay lãi suất thị trường 128.648 139.684 156.271 170.468 200.490
3.1 Nhận tiền gửi 2% các TCTD Nhà nước 64.301 71.270 81.462 90.500 104.128
3.2 Phát hành trái phiếu NHCSXH 39.291 39.290 39.286 39.230 52.736
3.3 Huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường tự do 25.056 29.124 35.524 40.738 43.626
  – Huy động vốn của Tổ chức tín dụng 76 6 7 2 20
  – Tiền gửi của Tổ chức, cá nhân 4.710 5.229 6.035 6.282 6.906
  – Huy động tiết kiệm dân cư 11.293 13.168 16.740 19.697 20.674
  – Nhận tiền gửi của Tổ viên Tổ TK&VV 8.977 10.720 12.741 14.757 16.026
4 Vốn nhận uỷ thác của địa phương 11.809 15.434 20.315 24.702 29.098
5 Vốn khác và các Quỹ 8.607 9.023 8.592 9.986 13.312

Nguồn: Báo cáo tổng kết 20 năm hoạt động của NHCSXH

Về cơ cấu nguồn vốn

Bảng 2.2 cho thấy tại thời điểm cuối năm 2022, tổng nguồn vốn của NHCSXH lên tới 297.738 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH bao gồm 05 thành phần chính là: vốn do ngân sách trung ương cấp, vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ, vốn huy động và vay lãi suất thị trường, vốn nhận ủy thác của địa phương và vốn khác.

– Vốn do ngân sách trung ương cấp cho NHCSXH chiếm khoảng 14% tổng nguồn vốn, trong đó bao gồm 02 nguồn vốn là vốn điều lệ và vốn cấp thực hiện các chương trình tín dụng. Vốn điều lệ của NHCSXH khi mới thành lập chỉ có 5.000 tỷ đồng và hằng năm, theo yêu cầu thực tế và quy mô hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ, NHCSXH báo cáo BTC để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vốn điều lệ với tỷ lệ tăng tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm. Đến cuối năm 2022 đã đạt 22.185 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các Chương trình TDCS, từ khi thành lập NHCSXH đến cuối năm 2022, Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm, bố trí NSNN cấp cho NHCSXH 20.393 tỷ đồng.

– Vốn huy động và vay lãi suất thị trường của NHCSXH chiếm khoảng 67% tổng nguồn vốn. Trong đó, bao gồm 03 nguồn vốn: Tiền gửi duy trì 2% của các TCTD nhà nước theo quy định chiếm 52% vốn huy động; huy động vốn của tổ chức, cá nhân trên thị trường tự do chiếm 22% vốn huy động; và vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm 26% vốn huy động.

– Nguồn vốn vay theo chỉ đạo Chính phủ gồm vay Ngân hàng nhà nước, vay Kho bạc Nhà nước và vay/ủy thác nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 4% tổng nguồn vốn.

– Vốn nhận ủy thác của địa phương là nguồn vốn hằng năm UBND các cấp thực hiện cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, chiếm 10% tổng nguồn vốn.

– Vốn khác và các Quỹ của NHCSXH chiếm 4%.

Về tăng trưởng nguồn vốn

Giai đoạn từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2022, nguồn lực tài chính của NHCSXH đã tăng 53% (tương đương tăng hơn 100 nghìn tỷ đồng). Mức tăng này chủ yếu đến từ việc tăng trưởng các nguồn vốn sau: Vốn do ngân sách trung ương cấp, vốn huy động và vay lãi suất thị trường và vốn nhận ủy thác địa phương.

– Vốn do ngân sách trung ương cấp tăng hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do vốn điều lệ của NHCSXH đã được NSNN cấp thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Việc bổ sung vốn điều lệ này là phù hợp với thực tế NHCSXH đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua, đảm bảo NHCSXH đáp ứng các chỉ tiêu an toàn hoạt động về nguồn vốn.

– Vốn huy động và vay lãi suất thị trường của NHCSXH đã tăng tới hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do tăng số tiền gửi 2% của TCTD (tăng gần 40.000 tỷ đồng, tương đương tăng 62%). Theo quy định pháp luật, các TCTD phải duy trì tiền gửi tại NHCSXH là 2% tính trên số dư nguồn vốn huy động của TCTD. Do số dư nguồn vốn huy động của các TCTD ngày càng tăng lên nên vốn huy động từ tiền gửi 2% của TCTD tăng lên là phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó số vốn phát hành trái phiếu và huy động của tổ chức cá nhân trên thị trường tự do cũng có mức tăng cao, lần lượt là 34% và 74%. Điều này là do NHCSXH tăng các nguồn vốn huy động của dân cư và vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm của người nghèo thông qua Tổ TK&VV của NHCSXH.

– Vốn nhận ủy thác của địa phương tại NHCSXH cũng đã tăng khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 146%.

mã đề tài 017

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *