Khái niệm, đặc điểm khu công nghiệp

Khái niệm
Khu công nghiệp được hiểu theo một định nghĩa khá đơn giản là một khoảng đất rộng, chia làm nhiều lô, trên đó xây dựng cơ sở hạ tầng, các xí nghiệp có thể thống nhất sử dụng hạ tầng và hưởng các vị trí liền kề nhau. (Hệ thống đầu mối thông tin môi trường của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc – INFOTERRA/UNDP, 2002, tr. 3-5).
Khu công nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế nước ta, không chỉ sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng mà còn tạo rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Khu công nghiệp ở Việt Nam là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP. Đây là khu vực dành cho phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể nào đó nhằm đảm bảo được sự hài hòa và cân bằng tương đối giữa các mục tiêu kinh tế – xã hội – môi trường. Khu công nghiệp được Chính phủ cấp phép đầu tư với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và pháp lý riêng.
Cụ thể là căn cứ theo khoản 1, Điều 2, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về KCN, khu chế xuất và khu kinh tế: “KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này”. KCN gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái (sau đây gọi chung là Khu công nghiệp, trừ trường hợp có quy định riêng đối với từng loại hình).
Như vậy, KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, và phải được thành lập dựa trên sự cấp phép của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, nước ta có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 75,7%. KCN được hưởng các chế độ đãi ngộ của nhà nước như được hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, được ưu tiên về thuế và các chính sách.
Đặc điểm của khu công nghiệp
Một là, KCN thường được xây ở những nơi có vị trí địa lý thuận lợi, gần các đường giao thông, cảng biển, sân bay, thuận tiện giao lưu với các trung tâm kinh tế lớn. KCN cũng đòi hỏi diện tích khá lớn, địa hình tương đối bằng phẳng, thích hợp xây dựng các công trình công nghiệp và cơ sở hạ tầng thích hợp. Vì lí do đó, việc xây dựng các KCN phải theo quy hoạch hợp lý với các khu đất dành cho sinh hoạt, cho nông, lâm, ngư nghiệp.
Hai là, KCN có đặc điểm kinh tế – kỹ thuật đặc biệt, do tính chất tập trung sản xuất công nghiệp, có những quy định bắt buộc về tỷ lệ diện tích đất sử dụng và loại hình xây dựng. Trong KCN, ngoài các nhà máy, còn có hạ tầng sản xuất thống nhất với mạng lưới hạ tầng ngoài khu, những công trình công ích như viễn thông, xử lý chất thải, phố xá, cảnh quan, đôi khi có cả những công trình giải trí và chăm sóc trẻ em. Các KCN thường có nhu cầu sử dụng lượng lớn nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, và cũng thải ra lượng chất thải khổng lồ, đòi hỏi phải có hệ thống xử lý chất thải phù hợp, đạt tiêu chuẩn theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Ba là, KCN chịu sự quản lý của Chính phủ (về quyết định thành lập, quy hoạch tổng thể, khung điều lệ mẫu, kiểm soát), có trình độ tổ chức cao và phương thức quản lý tiên tiến. Các KCN thường có quản lý riêng nhằm nâng cao hiệu lực thi hành các hợp đồng và những quy định bắt buộc, phê duyệt và tiếp nhận những dự án mới, cung cấp các chính sách và xúc tiến quy hoạch. Mỗi khu công nghiệp đều có Ban quản lý riêng. Ban quản lý khu công nghiệp là đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu in hình quốc huy, được ngân sách nhà nước cấp kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp…Thêm vào đó, các KCN có mục đích, chức năng xác định tùy thuộc điều kiện cụ thể nơi KCN đó hình thành và phát triển. Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) tóm tắt mục đích hình thành các KCN ở các nước đang phát triển bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc tế thông qua phát triển công nghiệp, giải quyết vấn đề việc làm, tạo điều kiện phát triển các ngành tiểu thu công nghiệp, di rời các ngành tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư.
Bốn là, KCN có tính tập trung và tính hội nhập quốc tế cao. KCN bao gồm nhiều DN, nhiều ngành nghề, thu hút đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, tập trung nhiều loại hình sản xuất và dịch vụ công nghiệp, đủ khả năng thực hiện các dự án lớn, khối lượng sản phẩm lớn, có năng lực sản xuất lớn, ứng dụng nhiều công nghệ đặc biệt là các công nghệ cao, tạo nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có sức cạnh tranh lớn.
Năm là, các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp (logistics, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng…). Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp thường được hưởng các chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất…
KCN cần có khả năng đáp ứng nhu cầu lao động cả về số lượng và chất lượng với chi phí tiền lương thích hợp. Nhân lực chủ yếu là người lao động trong nước và lao động tại chỗ. Việc sử dụng lao động lớn tại các KCN cũng có thể kéo theo nhiều hậu quả xã hội, chẳng hạn như vấn đề lao động ngụ cư, bởi những lao động này không có nhà ở, việc cư trú không ổn định, rất khó quản lý. Sự biến động đột biến của lượng lao động ngụ cư cũng có thể gây sức ép lên hệ thống giáo dục, y tế và nhà ở tại địa phương.
Khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp
Khái niệm
Việt Nam tiến hành Công nghiệp hóa – hiện đại hóa với một xuất phát điểm thấp. Các nguồn lực kinh tế yếu kém, nhỏ lẻ. Đây là một trong những cản trở rất lớn đối với quá trình phát triển. Do đó, việc huy động và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một bước tiến vô cùng quan trọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment) có thể hiểu dưới các góc nhìn khác nhau. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF- International Money Fund) thì doanh nghiệp FDI : “Đầu tư trực tiếp nhằm đạt được quyền lợi lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trong một nền kinh tế khác với nền kinh tế nhà đầu tư”. Định nghĩa này chỉ về quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, không quan tâm đến lợi ích của nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư.
Theo Tổ chức Thương mại thế giới “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở nước khác (nước thu hút đầu tư) đi cùng với quyền quản lý số tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác”.
Trong phần lớn các trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài sẽ là những cơ sở kinh doanh. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay được gọi là công ty mẹ và số tài sản được gọi là công ty con hay chi nhánh công ty.
Đầu tư trực tiếp là một hình thức đầu tư xuyên biên giới được thực hiện bởi người cư trú trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp) với mục tiêu thiết lập lợi ích lâu dài trong một doanh nghiệp (doanh nghiệp đầu tư trực tiếp) cư trú ở một nền kinh tế khác với nền kinh tế của chủ đầu tư trực tiếp. Động lực của nhà đầu tư trực tiếp là mối quan hệ chiến lược lâu dài với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp để đảm bảo mức độ ảnh hưởng đáng kể của nhà đầu tư trực tiếp trong việc quản lý doanh nghiệp đầu tư trực tiếp. “Lợi ích lâu dài” được chứng minh khi nhà đầu tư trực tiếp sở hữu ít nhất 10% quyền biểu quyết của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp. Đầu tư trực tiếp cũng có thể cho phép nhà đầu tư trực tiếp tiếp cận với nền kinh tế của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp dễ dàng. Mục tiêu của đầu tư trực tiếp khác với mục tiêu của đầu tư gián tiếp, theo đó các nhà đầu tư thường không mong đợi ảnh hưởng đến việc quản lý doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp là các tổng công ty, có thể là công ty con, trong đó nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết, hoặc công ty liên kết, trong đó nắm giữ từ 10% đến 50% quyền biểu quyết, hoặc có thể gần như là các tập đoàn chẳng hạn như các chi nhánh được sở hữu 100% bởi công ty mẹ tương ứng của họ. Mối quan hệ giữa nhà đầu tư trực tiếp và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp của họ có thể phức tạp và ít hoặc không có mối quan hệ nào với cơ cấu quản lý. Mối quan hệ đầu tư trực tiếp được xác định theo các tiêu chí của Khung quan hệ đầu tư trực tiếp (FDIR) bao gồm cả mối quan hệ đầu tư trực tiếp trực tiếp và gián tiếp. (Nguồn : OECD (2008), OECD Benchmark Definition of Foreign Direct Investment Fourth Edition, trang 17).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được định nghĩa là khoản đầu tư liên quan đến mối quan hệ lâu dài và phản ánh lợi ích và quyền kiểm soát lâu dài của một thực thể cư trú trong một nền kinh tế (nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc doanh nghiệp mẹ) trong một doanh nghiệp cư trú ở một nền kinh tế khác với nền kinh tế của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp liên kết hoặc chi nhánh nước ngoài). FDI ngụ ý rằng nhà đầu tư có ảnh hưởng đáng kể đến việc quản lý doanh nghiệp cư trú ở nền kinh tế khác. Đầu tư như vậy liên quan đến cả giao dịch ban đầu giữa hai thực thể và tất cả các giao dịch tiếp theo giữa họ và giữa các chi nhánh nước ngoài, cả hợp nhất và không hợp nhất. FDI có thể được thực hiện bởi các cá nhân cũng như các tổ chức kinh doanh. (UNCTAD (2007), World Investment Report 2007: Transnational Corporations, Extractive Industries and Development , trang 245).
Ở Việt Nam, theo Luật đầu tư nước ngoài: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kì tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này”. Theo Điều 3 của Luật Đầu tư (2014): “ Đầu tư trực tiếp là hình thức đầu tư do nhà đầu tư đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư” còn “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại”.
Như vậy về bản chất, FDI là sự gặp nhau về nhu cầu của hai bên, một bên là nhà đầu tư và bên còn lại là quốc gia tiếp nhận đầu tư. Trong đó, cụ thể: (i) Có sự thiết lập quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tới nơi được đầu tư; (ii) Đối với các nguồn vốn đã được đầu tư, thiết lập quyền sở hữu và quyền quản lý; (iii) Kèm theo quyền chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nhà nước đầu tư với nước bản địa; (iv) Có liên quan đến sự mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức đa quốc gia và (v) Luôn luôn gắn liền với sự phát triển của thị trường tài chính quốc tế và thương mại quốc tế.
Doanh nghiệp FDI hiểu theo Luật đầu tư là doanh nghiệp do nhà đầu tư FDI1 thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam; doanh nghiệp FDI có nhiều loại hình, nhiều cách thức tổ chức hoạt động khác nhau, cụ thể:
Theo phương thức thực hiện có thể chia doanh nghiệp FDI thành 02 nhóm:
Doanh nghiệp đầu tư mới (Greenfiled Investment – GE): các doanh nghiệp này nhận trực tiếp nguồn vốn từ công ti mẹ để tiến hành hoạt động đầu tư mới tại nước nhận đầu tư. Đây là hình thức truyền thống và vẫn chiếm ưu thế hiện nay.
Doanh nghiệp mua bán – sát nhập (Mergers and Acquisitions – M&A): các doanh nghiệp FDI mua lại một phần hoặc toàn bộ sáp nhập các doanh nghiệp đang hoạt động tại nước nhận đầu tư. Đây là phương thức xuất hiện muộn hơn song đang là xu hướng phổ biến hiện nay.
Theo hình thức thực hiện thì doanh nghiệp FDI được chia thành các nhóm:
• FDI có 100% vốn nước ngoài: Doanh nghiệp FDI hoàn toàn thuộc quyền sở hữu cá nhân nước ngoài và do bên ngoài tự thành lập, tự quản lý và hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.
• FDI liên doanh: Doanh nghiệp FDI được thành lập giữa một bên là thành viên của nước nhận đầu tư và một bên là chủ đầu tư ở nước khác tham gia. Một DN FDI liên doanh có thể có hai hoặc nhiều bên tham gia. Các bên tham gia liên quan có trách nhiệm góp vốn liên doanh và phân chia lợi nhuận, rủi ro theo tỉ lệ góp vốn.
• FDI hợp đồng hợp tác kinh doanh: Doanh nghiệp FDI kí kết với chủ đầu tư nước nhận đầu tư để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước nhận đầu tư trên cư sở quy định về trách nhiệm và phân phối kết quả kinh doanh mà không thành lập pháp nhân mới.
• FDI theo hình thức BTO, BOT, BT
Như đã trình bày ở trên, KCN là nơi tập trung, quy tụ các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài với đặc thù chung là quy mô lớn và ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại đáp ứng nhu cầu sản xuất xuất khẩu và hướng tới phát triển cạnh tranh bền vững. Do đó về cơ bản có thể hiểu doanh nghiệp FDI trong KCN là các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ công nghiệp có vốn đầu tư từ nước ngoài có trụ sở hoạt động trong không gian của KCN được hưởng các ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng và quản lý kinh tế theo pháp luật của Việt Nam.
Trong đó, nhà đầu tư FDI là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (Theo Luật Đầu tư 2014).
Theo quy định của Luật đầu tư 2014, các doanh nghiệp FDI sẽ được thành lập theo các loại hình doanh nghiệp như: Công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Trên thực tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, loại hình doanh nghiệp này ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, thông qua hình thức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, chúng ta đã tiếp thu được những công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực viễn thông, khai thác dầu khí, hoá chất, điện tử,. phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Một số ngành sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu trong nước như dệt, may, sản xuất giầy dép cũng có công nghệ thuộc loại trung bình tiên tiến ở khu vực. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cùng các phương thức kinh doanh mới đã tạo ra sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phải đổi mới chất lượng sản phẩm và áp dụng phương pháp kinh doanh hiện đại. Có thể nói, bộ phận doanh nghiệp FDI đã đóng góp không nhỏ đối với sự tăng trưởng nền kinh tế nước ta trong những năm qua.
Đặc điểm của doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp
(i) Đặc điểm chung của doanh nghiệp FDI
 Thiết lập quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư tới nơi được đầu tư
 Thiết lập quyền sở hữu với quyền quản lý đối các nguồn vốn đã được đầu tư
 FDI cũng có thể xem là sự mở rộng thị trường của các doanh nghiệp, tổ chức đa quốc gia
 Thể hiện quyền chuyển giao công nghệ, kỹ thuật của nhà đầu tư với nước bản địa
 Luôn luôn có sự gắn liền của nhiều thị trường tài chính và thương mại quốc tế
(ii) Doanh nghiệp FDI trong các KCN là những tổ chức kinh doanh có yếu tố
quốc tế, chủ yếu được thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, thuộc một phần sở hữu nước ngoài (doanh nghiệp liên doanh) hoặc toàn bộ sở hữu nước ngoài (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài). Quá trình thành lập và vận hành của doanh nghiệp FDI luôn có sự cộng đồng trách nhiệm của các bên, đại diện cho lợi ích của các quốc gia khác nhau và được các bên lấy phương châm “cùng có lợi” làm nguyên tắc cơ bản để giải quyết các vấn đề trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Xu hướng tự nhiên của các doanh nghiệp FDI bao giờ cũng coi lợi nhuận là mục tiêu duy nhất hàng đầu, trong khi đó nước chủ nhà lại quan tâm nhiều đến hiệu quả kinh tế – xã hội, đến sự phát triển tổng thể kinh tế. Do vậy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI phải dung hòa được lợi ích này.
Doanh nghiệp FDI thường có phần sở hữu của các công ty đa quốc gia, nên các quyết định của nó không hoàn toàn phụ thuộc vào khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. Phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài càng cao, thì hoạt động của doanh nghiệp FDI có thể càng chịu nhiều sự ảnh hưởng của bên nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều là những pháp nhân Việt Nam, ra đời và hoạt động theo luật pháp của Nhà nước Việt Nam, đồng thời chịu sự chi phối của nhiều hệ thống pháp luật (bao gồm luật pháp của các quốc gia xuất thân của các bên và luật pháp quốc tế).
Tỷ lệ đóng góp của các bên trong vốn điều lệ hoặc vốn pháp định là cơ sở quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Đồng thời, lợi nhuận và rủi ro của các nhà đầu tư cũng tương ứng với tỷ lệ này. Chủ đầu tư có quyền tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Bên cạnh đó, họ còn được tự do lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư (theo quy định của Pháp luật)… Vì thế có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất mang lại lợi nhuận cao.
(iv) Doanh nghiệp FDI là các doanh nghiệp có mức độ sản xuất tập trung cao. Nói đến các doanh nghiệp FDI là nói đến tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng như các tỉnh thành có các KCN. Đặc điểm của các doanh nghiệp FDI là sự tổ chức sản xuất tập trung với mật độ cao, cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, diện tích nhà xưởng rộng đảm bảo cho số đông người lao động và có thể khai thác triệt để các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm chi phí sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận. Đây là một đặc điểm quan trọng của các doanh nghiệp FDI trong các KCN.
(v) Các doanh nghiệp FDI có trình độ quản lý khoa học, chặt chẽ. Nói đến quản lý là nói đến quá trình bao quát và khả năng thích ứng trong thực tiễn để đảm bảo các mục tiêu của doanh nghiệp. Về vấn đề này các doanh nghiệp FDI đã vận dụng thành công các phương thức quản lý, trình độ quản lý của các nước công nghiệp phát triển lâu đời trên thế giới để áp dụng. Qua phân tích khảo sát thấy rõ yếu tố quản lý của các doanh nghiệp FDI rất khoa học và chặt chẽ từ quản lý đến nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào, đến quản lý về sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng đáp ứng các dịch vụ của sản phẩm. Điều này đã mang lại quá trình lãnh đạo khép kín tạo sự nhận biết nhanh, ứng biến trong quá trình quản trị doanh nghiệp.
(vi) Văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp FDI tương đối phức tạp, nhiều khi mang sắc thái chính trị, tôn giáo rõ rệt, làm cho quá trình triển khai và vận hành doanh nghiệp FDI hết sức phức tạp đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để tham gia kinh doanh với các nhà đầu tư nước ngoài một cách bình đẳng và đảm bảo hiệu quả.
(vii) Doanh nghiệp FDI trong KCN được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; về vị trí thuận lợi cho các hoạt động sản xuất; về thuế, thủ tục hải quan, hạ tầng kỹ thuật của nhà nước; cơ chế quản lý đặc thù cho KCN và được phép tiêu thụ sản phẩm ngay cả ở thị trường nội địa mà không bị áp dụng các quy định về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
(viii) Doanh nghiệp FDI nằm trên lãnh thổ Việt Nam, chịu sự quản lý vĩ mô, chịu ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của Nhà nước Việt Nam, đồng thời cũng có tác động trở lại đối với đất nước Việt Nam, có thể tích cực hoặc tiêu cực, tuỳ thuộc vào tình hình hoạt động đúng hay chệch hướng, hiệu quả, hay thua lỗ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp FDI hoạt động trong một thời hạn nhất định do Chính phủ Việt Nam quyết định đối với từng dự án, thường không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt có thể dài hơn nhưng tối đa không quá 70 năm. Hết thời hạn quy định, doanh nghiệp FDI phải giải thể hoặc chuyển cho phía Việt Nam (theo hình thức bồi hoàn hoặc không bồi hoàn). Như vậy, chế độ sở hữu đối với bên nước ngoài chỉ giới hạn trong thời gian hoạt động của doanh nghiệp.
Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *