Cơ sở lý luận về phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị

Một số khái niệm cơ bản

  • Khái niệm về nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai với cây trồng làm tư liệu sản xuất chính để tạo ra lương thực, thực phẩm, một số nguyên liệu cho công nghiệp [70].

Từ điển Bách khoa Việt Nam (2014) cũng định nghĩa: “Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội; sử dụng đất đai để trồng trọt, chăn nuôi; khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp”.

Từ khi ra đời cho đến nay nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế nói chung và đảm bảo sự tồn tại của loài người nói riêng. Nhiều học giả khẳng định nông nghiệp là ngành có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ thế giới. Ngày nay nông nghiệp càng có ý nghĩa hơn bởi trong bất kỳ thời kỳ nào để tồn tại và phát triển nhu cầu ăn uống hay sử dụng sản phẩm nông nghiệp là tất yếu.

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia. Nông nghiệp theo nghĩa hẹp là sự hợp thành của ngành trồng trọt và chăn nuôi; theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm nghiệp và ngư nghiệp. Về tổng thể nông nghiệp được chia thành hai dạng là nông nghiệp thuần nông và nông nghiệp chuyên sâu. Việc xác định sản xuất nông nghiệp ở dạng nào rất quan trọng.

Nông nghiệp thuần nông: là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi người nông dân. Không có sự cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Nông nghiệp chuyên sâu: là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp; bao gồm việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm. Nông nghiệp chuyên sâu có nguồn đầu vào sản xuất lớn, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất diệt sâu, diệt cỏ, phân bón, chọn lọc, lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới và mức độ cơ giới hóa cao. Các sản phẩm đầu ra chủ yếu dùng vào mục đích thương mại, làm hàng hóa bán ra trên thị trường hay xuất khẩu.

Như vậy các khái niệm về nông nghiệp đều bao hàm hai nội dung: một là các hoạt động liên quan đến nuôi trồng và đầu tư canh tác trên đất, hai là nhằm mục đích sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của con người.

  • Khái niệm về đô thị

Có nhiều khái niệm khác nhau về đô thị:

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam (2014): “Đô thị là một không gian cư trú của cộng đồng người sống tập trung và hoạt động trong những khu vực kinh tế phi nông nghiệp”.

Đô thị là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống và chủ yếu hoạt động trong những lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, du lịch và dịch vụ của cả nước hoặc vùng lãnh thổ bao gồm thị trấn, thị xã, thành phố (thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương)

Theo Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05/10/2001 của Chính phủ về việc phân loại đô thị và cấp quản lí đô thị thì đô thị là các điểm dân cư có các yếu tố cơ bản: 1) Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước hoặc một vùng lãnh thổ nhất định; 2) Quy mô dân số ít nhất là 4.000 người; 3) Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp trong tổng số lao động tối thiểu là 65%; 4) Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư tối thiểu phải đạt 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định đối với từng loại đô thị; 5) Mật độ dân cư phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị.

Đô thị được phân thành 6 loại gồm đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, II, III, IV và V. Đô thị loại đặc biệt có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu đạt 90% tổng số lao động, loại I – 85%, loại II – 80%, loại III – 75%, loại IV – 70% và loại V – 65% (Điều 4, Luật Quy hoạch Đô thị được Quốc hội phê chuẩn năm 2009).

Như vậy, dù là đô thị loại nào thì vẫn có một tỷ lệ nhất định lao động làm nông nghiệp và một khu vực nhất định để bố trí sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh tế quan trọng ở đô thị.

  • Khái niệm về nông nghiệp tại vùng đô thị

Theo Lê Văn Trưởng (2006): “Nông nghiệp đô thị là một ngành sản xuất ở trung tâm, ngoại ô và vùng lân cận đô thị, có chức năng trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và phân phối các loại thực phẩm, lương thực và các sản phẩm khác, sử dụng các nguồn lực tự nhiên và nhân văn, các sản phẩm cùng các dịch vụ ở đô thị và vùng lân cận đô thị để cung cấp trở lại cho đô thị các sản phẩm và dịch vụ cao cấp”.

Theo Phạm Sỹ Liêm (2009): “Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong đô thị và ven đô, sản xuất, chế biến, cung ứng cho người dân đô thị lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật cảnh; dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị”.

Trần Trọng Phương (2012) đưa ra: “Nông nghiệp tại vùng đô thị là sản xuất cây trồng và vật nuôi trong và quanh đô thị. Quá trình sản xuất diễn ra trong đô thị và tác động qua lại với hệ sinh thái đô thị như: người dân đô thị trở thành người sản xuất, sử dụng nguồn nguyên liệu đặc trưng của đô thị (rác thải hữu cơ, nước thải…), gắn kết với người tiêu dùng đô thị, tác động trực tiếp đến hệ sinh thái đô thị, trở thành một phần của chuỗi thực phẩm đô thị, cạnh tranh đất và các hoạt động khác của đô thị, bị ảnh hưởng bởi chủ trương và kế hoạch phát triển đô thị”.

Vũ Thị Mai Hương (2014) quan niệm: “Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong đô thị và ven đô thị; vừa cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật cảnh; vừa tạo thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị; sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; áp dụng kỹ thuật thâm canh cao và thường mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo Võ Hữu Hòa (2011) “Nông nghiệp tại vùng đô thị là quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp từ nguyên liệu, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng môi trường. Quá trình đó được diễn ra ở các vùng xen kẽ hoặc tập trung ở đô thị bao gồm nội đô, ven đô và ngoại ô”.

Các tài liệu nước ngoài cũng có những định nghĩa về nông nghiệp đô thị và nông nghiệp tại vùng đô thị:

Jac Smit (1990) đưa ra khái niệm về nông nghiệp đô thị, được xem là một trong những khái niệm đầu tiên của lĩnh vực này trên thế giới: “Nông nghiệp đô thị là một ngành sản xuất, chế biến và bán thực phẩm và nhiên liệu, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng trong một thị trấn, thành phố, hay đô thị, dựa trên đất và nước có trên khắp đô thị và ven đô thị, áp dụng các phương pháp sản xuất chuyên canh, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị để trồng đa vụ và làm đa dạng chăn nuôi”. Theo đó, nông nghiệp tại vùng đô thị được xem là một ngành sản xuất, phân biệt theo vị trí địa lý (vùng ven, trung tâm), chú trọng vào sản phẩm và phương pháp canh tác nông nghiệp.

Nông nghiệp đô thị đã được Wagstaff và Wortman (2013) định nghĩa một cách ngắn gọn nhất: “nông nghiệp đô thị là tất cả các hình thức sản xuất nông nghiệp: thực phẩm và phi thực phẩm xảy ra trong hoặc xung quanh thành phố”.

Mbiba (1995) định nghĩa nông nghiệp đô thị là sản xuất cây trồng và vật nuôi trên đất được quy hoạch hành chính và hợp pháp để sử dụng trong đô thị. Bailkey và Nasr (2000) định nghĩa nông nghiệp tại vùng đô thị là một ngành sản xuất, chế biến và tiếp thị thực phẩm để đáp ứng nhu cầu của những người sống trong thành phố.

Các cơ quan chính phủ và các tài liệu được đánh giá ngang hàng đã đạt được sự đồng thuận về định nghĩa rộng rãi này về nông nghiệp tại vùng đô thị, bao gồm tất cả các hoạt động sản xuất cây trồng hoặc vật nuôi trong hoặc gần các thành phố, cho dù để sử dụng cho mục đích cá nhân hay để bán, cho dù dựa trên đất hay trồng bằng phương pháp thủy canh [71].

Giseke (2015) cho rằng nông nghiệp đô thị là bất kỳ loại hoạt động nông nghiệp có tương tác với hệ thống đô thị”. Tác giả nhấn mạnh sự tương tác giữa đô thị và nông nghiệp là tính chất chủ đạo của nông nghiệp tại vùng đô thị để phân biệt với nông nghiệp nông thôn và đúc kết bằng một nguyên tắc chung: “Mức độ tương tác càng cao thì tính đô thị của hoạt động nông nghiệp càng nhiều”.

Theo Ir. Henk de Zeeuw (2004) cho rằng “Nông nghiệp tại vùng đô thị có thể được định nghĩa là: Sản xuất nông nghiệp (cây trồng và vật nuôi) ở thành thị và vùng ven đô cho thực phẩm và các mục đích sử dụng khác, vận chuyển, chế biến và tiếp thị nông sản liên quan và các dịch vụ phi nông nghiệp do nông dân thành thị cung cấp (trữ nước, du lịch nông nghiệp, phủ xanh đô thị và quản lý cảnh quan)”.

Một số định nghĩa khác về nông nghiệp tại vùng đô thị: “Việc trồng cây và chăn nuôi động vật để làm thực phẩm và các mục đích sử dụng khác trong và xung quanh các thành phố và thị trấn và các hoạt động liên quan như sản xuất và phân phối đầu vào, chế biến và tiếp thị sản phẩm. Nông nghiệp tại vùng đô thị nằm trong hoặc ngoài rìa của thành phố và bao gồm nhiều loại của các hệ thống sản xuất, từ sản xuất tự cung tự cấp và chế biến ở quy mô hộ gia đình đến hoàn toàn nông nghiệp được thương mại hóa.”

Theo GSDR Brief Urban Agriculture (2015) “Nông nghiệp đô thị là ngành trồng trọt, chế biến và phân phối thực phẩm và các sản phẩm khác thông qua trồng trọt và chăn nuôi gia súc trong và xung quanh thành phố để nuôi sống người dân địa phương”.

Theo COST action Urban Agriculture in Europe: “Nông nghiệp tại vùng đô thị bao gồm tất cả các tác nhân, cộng đồng, hoạt động, địa điểm và nền kinh tế tập trung vào sản xuất (cây trồng, sản phẩm động vật, sinh khối cho năng lượng,…), trong bối cảnh không gian, theo địa phương ý kiến và tiêu chuẩn, được phân loại là “thành thị”.

Theo FAO, Nông nghiệp đô thị được định nghĩa là “các khu vực nhỏ (như những mảnh đất trống, vườn, bờ, ban công, thùng chứa) trong thành phố để trồng trọt và chăn nuôi gia súc nhỏ hoặc bò sữa để tiêu dùng hoặc bán ở các chợ lân cận” và có thể cung cấp nguồn lương thực và thu nhập cho cư dân thành thị (FAO, 2020, tr.5).

Thông tin và ấn phẩm từ EPA (cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ: United State Enviromental Protection Agency) về nông nghiệp tại vùng đô thị: “Nông nghiệp tại vùng đô thị là một phần của hệ thống thực phẩm địa phương, nơi thực phẩm được sản xuất trong khu vực đô thị và tiếp thị cho người tiêu dùng trong khu vực đó. Nông nghiệp tại vùng đô thị cũng có thể bao gồm chăn nuôi như nuôi ong, nuôi trồng thủy sản, tích hợp nuôi cá và nông nghiệp (aquaponics) và các sản phẩm phi thực phẩm như sản xuất hạt giống, trồng cây con và trồng hoa. Các trang trại đô thị cũng có thể góp phần hồi sinh đất đô thị bị bỏ hoang hoặc sử dụng kém, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng đô thị và các tác động có lợi đến cảnh quan đô thị”.

Tóm lại, có rất nhiều khái niệm khác nhau về nông nghiệp đô thị và nông nghiệp tại vùng đô thị. Tổng hợp các nghiên cứu về nông nghiệp tại vùng đô thị, có thể đưa ra khái niệm như sau: Nông nghiệp tại vùng đô thị là ngành kinh tế với các hoạt động nông nghiệp ở khu vực đô thị bao gồm hoạt động tập trung liên quan đếntrồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp phù hợp với không gian đô thị; thường sử dụng các phương tiện, công nghệ tiên tiến và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Đối tượng thực hiện nông nghiệp tại vùng đô thị bao gồm 2 nhóm đối tượng là cá nhân, các hộ gia đình và tổ chức như hợp tác xã, tổ chức liên kết sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp… Sản phẩm của nông nghiệp tại vùng đô thị vừa để tiêu dùng và chủ yếu để tiêu thụ trên thị trường.

Nông nghiệp tại vùng đô thị bao gồm các hoạt động sản xuất cũng như chế biến liên quan và các hoạt động tiếp thị, sản xuất đầu vào, cung cấp dịch vụ bởi các doanh nghiệp hoặc các tổ chức phi chính phủ. Sự tương tác giữa các các hoạt động trong nông nghiệp tại vùng đô thị cũng rất quan trọng. Trong nông nghiệp tại vùng đô thị, sản xuất và tiếp thị (và cả quá trình xử lý) có xu hướng liên quan với nhau nhiều hơn về mặt thời gian và không gian hơn so với nông nghiệp nông thôn.

Sản phẩm của nông nghiệp tại vùng đô thị rất đa dạng, có thể bao gồm các loại cây trồng khác nhau: ngũ cốc, cây ăn quả, rau, nấm, trái cây … hoặc động vật: gia cầm, thỏ, dê, gia súc, lợn, gà, trâu, bò… hoặc sự kết hợp của cả trồng trọt và chăn nuôi. Thường thì các loại rau củ quả và các sản phẩm động vật và phụ phẩm dễ hư hỏng hơn và có giá trị tương đối cao được ưa chuộng hơn. Đối với các doanh nghiệp nông nghiệp thì trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp tại vùng đô thị có thể từ thấp, trung bình hoặc cao, tuy nhiên đều với xu hướng là hướng đến kỹ thuật tiên tiến hơn và hệ thống thâm canh tốt hơn.

Một phần của sản xuất nông nghiệp tại vùng đô thị là để tự tiêu dùng hoặc trao đổi với họ hàng, làng xóm và bạn bè, có thặng dư được giao dịch. Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu về nông nghiệp tại vùng đô thị và xây dựng khái niệm nông nghiệp tại vùng đô thị là một ngành kinh tế – là một bộ phận của nền kinh tế chuyên tạo ra hàng hoá và dịch vụ, phạm vi nghiên cứu của luận án tập trung làm rõ tầm quan trọng của nông nghiệp tại vùng đô thị định hướng thị trường, cả về sản lượng và giá trị kinh tế. Trong đó, sản phẩm của nông nghiệp tại vùng đô thị được bán tại các cửa hàng địa phương, tại chợ ở địa phương hoặc đến các trung gian và siêu thị hoặc các khu vực lân cận khác, và đối tượng làm nông nghiệp tại vùng đô thị là các cá nhân,

hộ gia đình, tổ chức thực hiện sản xuất hàng hoá nông nghiệp tại vùng đô thị để cung ứng ra thị trường.

Nguồn: Tổng hợp của tác giả và RUAF Foundation, 2006 Nhìn chung nông nghiệp đô thị và nông nghiệp tại vùng đô thị đều thực hiện trong đô thị và vùng ven đô với các sản phẩm lương thực thực phẩm và phi thực phẩm bao gồm cả rau và vật nuôi truyền thống và rau củ quả sạch, chăn nuôi an toàn. Tuy nhiên nông nghiệp tại vùng đô thị với kiểu sản phẩm chủ yếu hướng tới thị trường còn nông nghiệp đô thị sẽ ưu tiên các sản phẩm tự tiêu dùng mang lại giá trị vật chất và tinh thần.

Khái niệm về phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị

“Phát triển” là cụm từ được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực. Phát triển được hiểu là một quá trình vận động đi lên: “phát triển là một quá trình lâu dài, luôn thay đổi và xu hướng thay đổi theo hướng ngày càng hoàn thiện”. Trong hoạt động kinh tế, khái niệm phát triển kinh tế được hiểu “là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế” [47].

Theo  từ  điển  Bách  khoa  Việt  Nam:  “Phát  triển  là  phạm  trù  triết  học  chỉ

ra tính chất của những biến đổi đang diễn ra trong thế giới. Phát triển là quá trình vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của một sự vật. Quá trình vận động đó diễn ra vừa dần dần, vừa nhảy vọt để đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ”. Phát triển diễn ra trong mọi lĩnh vực tự nhiên, xã hội và tư duy. Phát triển là quy luật tiến hoá, song nó chịu tác động của nhiều nhân tố, trong đó nhân tố nội lực có ý nghĩa quyết định, còn nhân tố bên ngoài có vai trò quan trọng. Vì vậy, khái niệm về phát triển chỉ là sự nhận thức về thế giới khách quan để tìm ra các xu hướng vận động của các sự vật, hiện tượng khách quan, bao gồm cả thế giới tự nhiên, các lĩnh vực xã hội và tư duy.

Phùng Văn Dũng (2014) cho rằng: “Phát triển nông nghiệp là quá trình vận động của ngành nông nghiệp nhằm chuyển đổi từ sản xuất thủ công là chủ yếu sang nền nông nghiệp sử dụng máy móc và công nghệ hiện đại; chuyển nền nông nghiệp tự cung tự cấp là chính thành nền sản xuất hàng hóa chất lượng cao và tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu và phát triển nhanh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp cao nhằm đáp ứng mục tiêu của phát triển nông nghiệp bền vững”.

Theo Juniawati và cộng sự (2017) thì phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị là một chiến lược nhằm cải thiện tình trạng sẵn có lương thực, tiếp cận lương thực và cũng để hỗ trợ an ninh lương thực. Một số mô hình nông nghiệp tại vùng đô thị đã được triển khai và phát triển ở nhiều nước là cụm lương thực đô thị, vườn trên sân thượng, vườn cộng đồng và canh tác thẳng đứng.

Để phù hợp với nghiên cứu của luận án, tác giả coi phát triển là sự tăng về lượng và chất của ngành kinh tế. Tổng hợp các nghiên cứu về phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị ở trên, có thể hiểu: Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị là quá trình vận động biến đổi về lượng và chất của ngành nông nghiệp ở khu vực đô thị với các hoạt động tập trung liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp; phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị thông qua các hình thức không gian tổ chức sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Vai trò của phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị

Cung cấp tốt hơn nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống

Dân số đô thị tăng lên đòi hỏi lượng lương thực, thực phẩm ngày càng nhiều. Quá trình công nghiệp hóacông nghiệp hóa, đô thị hóa lại đẩy nhiều nông dân đô thị vào tình trạng mất đất canh tác. Những người này không tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn cần tiêu thụ một lượng lớn lương thực, thực phẩm. Do vậy, nguy cơ thiếu hụt lương thực, thực phẩm để cung ứng cho các đô thị ngày càng trở nên hiện hữu.

An ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề đã và đang rất được quan tâm hiện nay tại các đô thị, đặc biệt là những người có thu nhập thấp tại các đô thị của các nước đang phát triển như nước ta. Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị sẽ đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu lương thực, rau quả và các loại nông sản khác một cách trực tiếp, tại chỗ cho cư dân đô thị thay vì phải vận chuyển từ nơi khác đến. Để đảm bảo phát triển bền vững, giảm khoảng cách quá xa trong nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của người dân đô thị, phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị thực sự là một giải pháp quan trọng hiện nay. Nếu tổ chức tốt việc sản xuất được quy hoạch hợp lý, nông nghiệp tại vùng đô thị có thể tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, tại chỗ góp phần to lớn vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị.

Tạo việc làm và tăng thu nhập cho bộ phận dân cư đô thị

Khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nông nghiệp tại vùng đô thị sẽ tạo việc làm và thu nhập góp phần cải thiện vấn đề tài chính cho các hộ gia đình

  • đô thị. Cư dân có thể tận dụng các diện tích ở ban công, sân thượng, khuôn viên các cơ quan, trường học để trồng hoa và cây cảnh hoặc rau xanh. Một số khu vực ngoại thành với điều kiện quỹ đất nhiều hơn có thể tổ chức các hoạt động sản xuất nông nghiệp thông qua các loại hình như trang trại trồng rau, trồng hoa quả, cây lương thực, chăn nuôi gia súc gia cầm. Nếu như phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị được quan tâm và có quy hoạch cụ thể, chiến lược phù hợp khi tận dụng quỹ đất đô thị sẽ là giải pháp quan trọng trong việc giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo ở các hộ gia đình đô thị.

Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế: phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị có cải thiện an ninh lương thực hộ gia đình thông qua cải thiện dinh dưỡng và tăng thu nhập (Badami, 2015; Warren, 2015; Kutiwa, 2010). Nghiên cứu của Salcu và Attah, 2012; Zezza, 2010 đã chỉ ra tác động của nông nghiệp tại vùng đô thị đến thu nhập hộ gia đình. Nghiên cứu của Masvaure (2013) chỉ ra nông nghiệp tại vùng đô thị cung cấp nguồn thực phẩm rẻ hơn cho nông dân. Kết quả nghiên cứu của Mavis Mupeta (2020) chỉ ra rằng phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị có tác động tích cực đáng kể đến thu nhập hộ gia đình ở Zambia, một quốc gia ở Đông Phi. Thu nhập của các hộ làm nông nghiệp tại vùng đô thị tăng 13,7% đến 19,1%, nông nghiệp tại vùng đô thị có tiềm năng cải thiện thu nhập hộ gia đình thông qua nâng cao thu nhập nơi đây.

Trong khuôn khổ của luận án, tác giả đề cập đến ảnh hưởng của phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị đến thu nhập hộ dân. Thu nhập của hộ dân là một trong những nội dung phát triển kinh tế của hộ. Thu nhập là phần thu được sau khi lấy tổng thu trừ đi chi phí vật chất, trừ đi tiền công thuê ngoài và trừ chi phí vật chất, trừ đi tiền công thuê ngoài và trừ chi phí khác (bao gồm thuế, khấu hao tài sản cố định…). Thu nhập của hộ dân ở địa bàn nghiên cứu được xác định là phần thu còn lại của tổng thu sau khi đã trừ đi chi phí vật chất và dịch vụ, khấu hao và thuế để có được khoản thu đó trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm), bao gồm các khoản: thu từ tiền công, tiền lương; thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; thu từ sản xuất ngành phi nông, lâm nghiệp thủy sản; thu khác được tính vào thu nhập.

Hơn nữa, ảnh hưởng của phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị là tích cực hay tiêu cực đến thu nhập hộ gia đình sẽ khác nhau ở điều kiện bối cảnh thời gian, không gian nghiên cứu.

Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm môi trường

Sức khỏe môi trường là một khía cạnh khác của sức khỏe cộng đồng có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các biện pháp an toàn thực phẩm. Ví dụ, các chất gây ô nhiễm vi sinh vật và hóa chất. Nông nghiệp tại vùng đô thị có thể tận dụng nguồn rác hữu cơ và chế biến thành phân vi sinh bón cho cây trồng vừa bổ sung nguồn dinh dưỡng giúp cho cây trồng thêm tươi tốt; vừa có tác dụng cải tạo đất, làm cho đất thêm màu mỡ, tơi xốp, canh tác đạt hiệu quả lâu dài. Trong thực tế những phế liệu của ngành công nghiệp và ngành dịch vụ, phục vụ công cộng có thể tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nông nghiệp tại vùng đô thị vừa góp phần giảm lượng chất thải ra môi trường vừa tiết kiệm các nguồn tài nguyên.

Tạo cảnh quan đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng

Nông nghiệp tại vùng đô thị có đóng góp tích cực vào việc tăng và cải thiện môi trường sống trong khu vực đô thị, tránh mất môi trường sống ở những nơi khác, góp phần đa dạng cây trồng, giảm ô nhiễm và tải chất dinh dưỡng. Nông nghiệp tại vùng đô thị tạo ra hệ thống cảnh quan và các vành đai xanh ý nghĩa cho các đô thị.

Nông nghiệp tại vùng đô thị có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người cả trực tiếp và gián tiếp. Nông nghiệp tại vùng đô thị cũng hỗ trợ sức khỏe bằng cách đóng góp vào môi trường an toàn, lành mạnh và xanh trong các khu dân cư, trường học. Nông nghiệp tại vùng đô thị cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe; thực phẩm tươi ngon, bổ dưỡng, chất lượng cao cho tăng cường sức kh

Đặc điểm của phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị

Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị cung ứng các dịch vụ cho cư dân đô thị Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị dễ tiếp cận với các dịch vụ nông nghiệp bởi các đô thị thường là các trung tâm kinh tế văn hóa của vùng nên sẽ có lợi thế về nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển. Đây cũng là thuận lợi của phát triển nông nghiệp ở các vùng đô thị so với ở các khu vực nông thôn.

Các đô thị không chỉ là nơi tiêu thụ lương thực thực phẩm mà còn là nơi cung cấp dịch vụ hỗ trợ sản xuất cho nông nghiệp tại vùng đô thị như cung cấp giống, phân bón, máy móc, vật tư nông nghiệp. Ở khu vực đô thị còn có sự hỗ trợ về vốn bởi sự đa dạng về hệ thống tài chính của vùng và khu vực. Bên cạnh đó ở khu vực đô thị còn có thể chuyển giao các công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác và chế biến bảo quản hiện đại cho nông nghiệp tại vùng đô thị. Khi dịch vụ nông nghiệp phát triển thì người dân có điều kiện đẩy mạnh sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Nông nghiệp tại vùng đô thị phát triển tạo thành các vành đai nông nghiệp Các vành đai nông nghiệp ra đời khi các khu vực nông nghiệp ở xung quanh

thành phố và đô thị được hình thành. Đây là hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp đặc trưng. Khi nông nghiệp tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn sẽ tạo nên các vành đai nông nghiệp ở phía ngoài khu vực đô thị. Đặc điểm không ổn định của các vành đai nông nghiệp là hiện tượng phổ biến trong quá trình phát triển và mở rộng các đô thị. Khi bán kính các vành đai nông nghiệp tăng lên sẽ đi cùng với sự phát triển về quy mô của đô thị trung tâm.

Sự dịch chuyển các vành đai nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: Tốc độ mở rộng đô thị và cơ sở hạ tầng đô thị; Quy mô dân cư đô thị và dân cư nông thôn ven đô; Chính sách và quy hoạch ruộng đất ven đô; Tình trạng hạ tầng cơ sở ven đô; Tình trạng môi trường và khả năng giải quyết ô nhiễm môi trường; Tốc độ chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các hoạt động khác; Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp ven đô trong các vành đai. Tuy nhiên, nếu không có sự đột biến của một trong số những yếu tố trên đây thì những yếu tố như quy mô dân số và tốc độ đô thị hoá, chính sách ruộng đất, thu nhập và cơ cấu nông dân là những yếu tố quyết định đến sự dịch chuyển này [58].

Việc phát triển các vành đai nông nghiệp không chỉ tạo ra không gian hoạt động sản xuất và nghỉ dưỡng, mà còn góp phần cải thiện môi trường và bảo toàn quỹ đất nông nghiệp của đô thị bởi các vành đai sẽ tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị, tránh việc mở rộng tự phát, đảm bảo cân bằng giữa phát triển với tạo lập môi trường sống tốt cho đô thị.

Sản phẩm của nông nghiệp tại vùng đô thị chịu tác động của thị trường đô thị Với nhu cầu và sức mua ngày càng cao của thị trường đòi hỏi sự đa dạng về chủng loại sản phẩm và chất lượng cao của từng sản phẩm: sản phẩm đặc sản, sản phẩm sạch, an toàn. Nông nghiệp tại vùng đô thị phát triển đa dạng từ các loại cây trồng, các vật nuôi và các loại phi thực phẩm.

Nông nghiệp tại vùng đô thị thường tập trung sản xuất các sản phẩm tươi sống bởi tính chất vận chuyển khó khăn và tính chất tiêu dùng phổ biến của dân cư đô thị. Những sản phẩm này nên được bố trí sản xuất ngay tại đô thị bởi tình trạng dễ hư hỏng và phí vận chuyển cao. Đồng thời sở thích sử dụng sản phẩm tươi sống của người tiêu dùng đô thị cũng dẫn đến sự phân bố các ngành sản xuất rau, quả tại các trung tâm tiêu thụ. Các tính chất đặc thù này quyết định hướng chuyên môn hóa của nông nghiệp tại vùng đô thị và tạo ra một nền nông nghiệp khác biệt với đặc điểm thông thường của nó.

Dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ đô thị

Nông nghiệp tại vùng đô thị dễ tiếp cận với các dịch vụ đô thị, mở ra cơ hội mới cho phát triển chiều sâu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh, quỹ đất đô thị và vùng ven đô sẽ bị thu hẹp, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là điều cần thiết. Khi đó nông nghiệp tại vùng đô thị có thuận lợi trong việc vận dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất. Với các mô hình đặc thù, nông nghiệp tại vùng đô thị còn cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho ngành dịch vụ, nghỉ dưỡng, du lịch.

Nông nghiệp tại vùng đô thị phát triển dựa trên kỹ thuật thâm canh

Trong thực tế khi dân số đô thị tăng nhanh cộng với tài nguyên đất nông nghiệp giảm, lao động nông nghiệp thiếu hụt từ đó làm tăng nguy cơ mất an ninh thực phẩm. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp để tăng sản lượng là vấn đề tất yếu và cấp bách ở đô thị hiện nay. Đồng thời trong điều kiện về hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nông nghiệp của các quốc gia, các địa phương muốn tồn tại và phát triển phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các hàng nông sản.

Đối với đối tượng là các tổ chức thực hiện phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị có thể ứng dụng công nghệ tự động, cảm biến, công nghệ sinh học vào việc chuẩn đoán và theo dõi mùa màng; đổi mới quy trình chăn nuôi, trồng trọt với mức tự động hóa và quy chuẩn cao; cải tạo giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất; sử dụng nước, công nghệ sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với việc ứng dụng các kỹ thuật mới này sẽ tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, sạch và đẹp. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng của người tiêu dùng đô thị.

 Phát triển nông nghiệp tại vùng đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao

Với trình độ thâm canh cao, năng suất lao động cao và chi phí sản xuất trên một đơn vị nông phẩm không quá lớn. Đồng thời đô thị lại là một thị trường lớn, có giá bán nông phẩm cao nên mức doanh thu của các ngành là rất lớn. Vì vậy nông nghiệp tại vùng đô thị thường đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với nông nghiệp nông thôn. Nhờ vậy các cơ sở nông nghiệp ở đô thị có điều kiện thâm canh hóa sản xuất, tăng thêm vốn đầu tư để sản xuất và thu được nhiều nguồn lợi.

MÃ ĐỀ TÀI 013

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *