Khung phân tích về thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
Thúc đẩy khởi nghiệp là hướng đi đúng đắn và cần thiết trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với việc thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật của các nước trên thế giới, có thể thấy các nội dung nghiên cứu về hoạt động này khá bao trùm và khái quát và tùy từng mục tiêu nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu cũng như không gian nghiên cứu khác nhau, các tác giả có sự đánh giá không đồng nhất với nhau về nội dung nghiên cứu cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.
Nghiên cứu này dựa trên việc kết hợp đặc điểm của thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam cùng với kết quả nghiên cứu của quá trình thảo luận nhóm, phỏng vấn bằng phương pháp Delphi các chuyên gia – nhà quản lý (Phụ lục 1). Mô hình nghiên cứu được xây dựng với điều kiện cụ thể của khởi nghiệp ở Việt Nam như sau:
THỰC TRẠNG THÚC ĐẨY KN Ở VIỆT NAM
- XD và ban hành các chính sách thúc đẩy HĐKN
- Hỗ trợ phát triển các ý tưởng khởi nghiệp
- Xây dựng và liên kết các tổ chức trong HST
- Hỗ trợ phát triển DNKN ở Việt Nam
- Hoạt động kiểm tra, giám sát công tác hỗ trợ HĐKN
Căn cứ vào tổng quan tài liệu nghiên cứu và những luận cứ xây dựng ở chương 2, tác giả xây dựng năm giả thuyết nghiên cứu sau:
H1: Vốn con người có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
H2: Văn hóa địa phương và văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
H3: Khả năng tiếp cận tài chính có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
H4: Mối quan hệ giữa các tổ chức trong HSTKN có ảnh hưởng thuận chiều
đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
H5: Môi trường kinh doanh có ảnh hưởng thuận chiều đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
Quy trình nghiên cứu
Luận án nghiên cứu về thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam được thực hiện qua các bước như sau:
Bước 1
Quy trình nghiên cứu được chia làm 2 giai đoạn, gồm 06 bước:
Giai đoạn nghiên cứu định tính: Sau khi xác định mục tiêu nghiên cứu ở bước 1, khung lý thuyết về thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam được thiết kế ở bước 2 dựa trên việc kế thừa từ những công trình nghiên cứu trước đây và đặc điểm riêng của địa bàn nghiên cứu, từ đó xây dựng được 05 giả thuyết. Bước 3 tiến hành xây dựng thang đo, đây là bước nghiên cứu định tính được kết hợp thêm bởi vì yêu cầu khái niệm lý thuyết của các biến nghiên cứu phải chặt chẽ, đầy đủ, phản ánh chính xác mục tiêu nghiên cứu. Nhiệm vụ trong bước 3 sẽ tiến hành thảo luận với nhiều đối tượng mà thực tế đang là những cán bộ quản lý có liên quan am hiểu về DNKN, những người đang thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo DNKN có nghiên cứu, hiểu biết về doanh nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng thúc đẩy khởi nghiệp. Việc thảo luận này nhằm hiệu chỉnh để đi đến nhất quán cách hiểu các câu hỏi trong thang đo. Giai đoạn nghiên cứu định tính được kết thúc tại bước 3 với bản câu hỏi chính thức được xây dựng. [39]
Giai đoạn nghiên cứu định lượng: Đây là giai đoạn tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu từ thực tế nhằm kiểm định thang đo và mô hình nghiên cứu. Bước 4 đánh giá thang đo các công cụ hệ số tin cậy (Cronbach’s Alpha) nhằm sàng lọc các biến quan sát có nội dùng trùng lặp, thừa hoặc không đạt độ tin cậy, kiểm định thang đo và các giả thuyết nghiên cứu bằng phân tích yếu tố khám phá (EFA), kiểm định bằng mô hình hồi quy đa biến nhằm đánh giá độ phù hợp của dữ liệu với mô hình lý thuyết, tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam để chỉ ra những yếu tố chính ảnh hưởng hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Bước 5 được đánh giá là bước quan trọng nhất khi tiến hành phân tích thực trạng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam. Trên cơ sở thực trạng vấn đề nghiên cứu và tác động của các thành phần trong mô hình, bước 6 trình bày giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.
Nghiên cứu định tính thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
Tổng hợp lý thuyết về thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam khá đa dạng. Do vậy, để tránh những nhận định mang tính chủ quan, nghiên cứu này đã tiến hành thảo luận với các chuyên gia – nhà quản lý nhằm mục tiêu: [43]
- Xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam
- Khám phá và xây dựng thang đo cho các thành phần của mô hình nghiên cứu.
Mục đích
Mục đích của việc thực hiện nghiên cứu này là để khám phá, điều chỉnh, bổ sung mô hình nghiên cứu đề xuất (nếu có) và xây dựng thang đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Tác giả tổng hợp các nghiên cứu liên quan để xây dựng thang đo cho các khái niệm nghiên cứu. Tuy nhiên, nội dung thang đo được kế thừa từ những nghiên cứu trước chắc chắn sẽ bao hàm một số nội dung không phù hợp với luận án. Cụ thể, sự khác biệt về bối cảnh văn hóa, trình độ, thu nhập… sẽ dẫn đến những sai lệch vô cùng lớn trong nội dung của thang đo. Do đó, nghiên cứu định tính nhằm mục đích điều chỉnh các biến quan sát cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng cho việc thu thập dữ liệu cho nghiên cứu định lượng khách quan nhất.
Trong nghiên cứu định tính, cần phải sử dụng phương pháp phỏng vấn chuyên gia để đánh giá xem các phát biểu được tổng hợp trong thang đo có phù hợp cho việc khảo sát đối với các khái niệm nghiên cứu hay không. Ngoài ra, phương pháp phỏng vấn chuyên gia là phương pháp khá phổ biến được áp dụng trong nghiên cứu định tính nhằm đi tìm sự đồng thuận của các chuyên gia về vấn đề nghiên cứu. Bước nghiên cứu này giúp đánh giá nội dung thang đo khách quan hơn và vì đặc tính nghiên cứu của đề tài, trong nghiên cứu này, tác giả chỉ đi tìm sự đồng thuận của chuyên gia trong việc đề xuất thang đo mà không đề cập đến mô hình nghiên cứu.
Nghiên cứu này thực hiện phỏng vấn với nhóm chuyên gia theo phương pháp Delphi. Hiện nay, Delphi là phương pháp phỏng vấn chuyên gia cực kỳ hữu hiệu và mang tính ổn định cao cho kết quả phỏng vấn. Phương pháp Delphi là quá trình giao tiếp nhóm giữa người nghiên cứu và các chuyên gia nhằm đạt được sự thống nhất về một vấn đề cụ thể, mang lại một kết quả khách quan, đáng tin cậy. Đây là phương pháp đã và đang được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu trong và ngoài nước. [43]
Phương pháp này được phát triển bởi Viện nghiên cứu chính sách Rand Corporation của chính phủ Mỹ vào những năm 1950 để tìm ra hệ thống phòng thủ tốt nhất cho Mỹ chống lại liên minh Xô Viết. Sau đó, nó đã trở thành nền tảng trong khoa học xã hội và kinh doanh như một cách để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia.
Trong luận án này, tác giả nhận thấy Delphi có các ưu điểm phù hợp với nội dung nghiên cứu và bối cảnh nghiên cứu. Cụ thể:
- Quá trình trao đổi thông tin được thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên môn sâu, rộng và am hiểu về vấn đề đang được đề xuất nghiên cứu. Tiền đề này là cơ sở cho kết quả phỏng vấn phù hợp, đáng tin cậy.
- Kỹ thuật Delphi thiết kế nhiều vòng để phát triển sự đồng thuận về quan điểm liên quan đến một chủ đề nhất định. Cụ thể hơn, quy trình phản hồi cho phép người tham gia Delphi được lựa chọn đánh giá lại những ý kiến ban đầu của họ và đánh giá các nhận xét, phản hồi do các thành viên khác trong hội đồng Delphi. Trải qua nhiều vòng phỏng vấn, nội dung thảo luận của từng chuyên gia được trao đổi ngẫu nhiên để xem xét. Việc luận giải những quan điểm của mỗi chuyên gia đối với quan điểm của các chuyên gia khác sẽ giúp xác định được khung quan điểm ổn định cho kết quả cuối cùng.
- Một đặc điểm chính và cũng là ưu điểm khác của phương pháp Delphi là sự ẩn danh của người trả lời. Đặc điểm này khắc phục những hạn chế của các phương pháp tổng hợp ý kiến thông thường. Cụ thể, trong quá trình thảo luận, việc ẩn danh các chuyên gia giúp cho quá trình thảo luận tránh được các xung đột trực tiếp về quan điểm giữa các chuyên gia. Đồng thời, cách này giúp hạn chế tối đa tình trạng ảnh hưởng tâm lý do ảnh hưởng cá nhân của chuyên gia này đối với chuyên gia khác, hoặc hiện tượng tâm lý đám đông. [43]
Thời gian tiến hành được thực hiện vào tháng 10 năm 2021 đến tháng 01 năm 2022 và 08 chuyên gia được mời đến thảo luận nhằm xem xét, phát hiện mới về mô hình nghiên cứu và các thang đo được sử dụng trong mô hình nghiên cứu.
Quy trình thực hiện nghiên cứu định tính
Các bước thực hiện phương pháp Delphi: [39][43]
Bước 1: Xây dựng khái niệm và thiết kế thang đo sơ bộ
Nội dung bảng thang đo cần được diễn đạt theo ngôn ngữ, văn phong khoa học đúng chuẩn. Đảm bảo nội dung cần chuyên gia thảo luận phải rõ ràng, cụ thể và không gây mơ hồ, đa nghĩa.
Bước 2: Lựa chọn chuyên gia xin ý kiến
Về việc lựa chọn chuyên gia thích hợp cho một nghiên cứu của Delphi là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình vì nó liên quan trực tiếp đến chất lượng của kết quả được tạo ra. Việc lựa chọn chuyên gia cần căn cứ vào số lượng chuyên gia cần thiết cũng như chất lượng của chuyên gia liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
Bước 3: Thực hiện xin ý kiến chuyên gia
Về mặt lý thuyết, quá trình Delphi có thể được lặp đi lặp lại liên tục cho đến khi xác định được sự đồng thuận. Tuy nhiên, Brooks (1979) cho rằng thông tin cần thiết và đạt được sự đồng thuận trong hầu hết các trường hợp thường xuất hiện trong khoảng ba lần phỏng vấn lặp lại.
Kết quả nghiên cứu định tính
hang đo vốn con người
Vốn con người hay vốn nhân lực là nguồn của các thói quen, kiến thức, thuộc tính xã hội và tính cách (bao gồm cả sự sáng tạo) thể hiện ở khả năng thực hiện lao động để tạo ra giá trị kinh tế.
Thang đo này được mã hóa là HM được kế thừa của các tác giả Elfring và Hulsink (2007); Coleman (2007); Hoffman (2008); Ucbasaran và cộng sự (2001) [92][112] cùng quá trình thảo luận nhóm chuyên gia và được diễn giải thành 04 biến quan sát: HM1: Cán bộ quản lý và nhân viên của doanh nghiệp có đủ kỹ năng và trình độ đáp ứng yêu cầu công việc; HM2: Cán bộ quản lý và nhân viên của doanh nghiệp được cử đi đào tạo hàng năm nhằm nâng cao trình độ; HM3: Cán bộ quản lý của doanh nghiệp luôn đánh giá cao vai trò của trí tuệ con người trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và HM4: Cán bộ quản lý và nhân viên của doanh nghiệp sau khi được cử đi đào tạo làm việc có hiệu quả hơn. [163][167]
Thang đo văn hóa địa phương và văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa khởi nghiệp là toàn bộ các giá trị vật chất và các giá trị tinh thần do người khởi nghiệp sáng tạo và tích lũy qua quá trình ươm tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Văn hóa khởi nghiệp là môi trường để hình thành được đội ngũ nhân lực có tinh thần khởi nghiệp (có khả năng đưa các ý tưởng sáng tạo, có khát vọng lớn để biến ước mơ thành hiện thực, có tư duy, nhận thức dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, dám chấp nhận thất bại).
Thang đo này được mã hóa là CT được kế thừa của các tác giả Gudmundson và cộng sự (2003); Hurley và Hult (1998); Freytag và Thurik (2010) và diễn giải thành các biến quan sát như sau: CT1: Phong tục truyền thống tạo ra quan điểm về khởi nghiệp khác nhau giữa các DNKN; CT2: Cán bộ quản lý DNKN với giới tính khác nhau sẽ điều hành doanh nghiệp với mức hiệu quả khác nhau; CT3: Tinh thần ý chí của cán bộ quản lý doanh nghiệp ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và khả năng khởi nghiệp thành công và CT4: Đặc thù của địa phương tạo ra quyết tâm khởi nghiệp và lĩnh vực khởi nghiệp của DNKN. [105][113][153]
Thang đo khả năng tiếp cận tài chính
Khả năng tiếp cận tài chính là khả năng của doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận tới các nguồn vốn từ nhiều nguồn khác nhau như vốn vay, vốn được hỗ trợ, tài trợ, vốn được cấp,…
Thang đo này được mã hóa là FI kế thừa của các tác giả Marshall & Samal (2006); Pretorius và Shaw (2004); Wiklund và Shepherd (2005) và được diễn giải thành 06 biến quan sát bao gồm: FI1: DNKN có nguồn tài chính đủ để duy trì và mở rộng hoạt động kinh doanh; FI2: DNKN có khả năng tiếp cận nhiều nguồn tài chính từ bên ngoài; FI3: DNKN nhận được nhiều ưu đãi về tín dụng từ các nguồn tài chính khác nhau; FI4: Nhà nước có chính sách tài chính tốt nhằm hỗ trợ các DNKN; FI5: DNKN nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư thiên thần, vườm ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm,… và FI6: Tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài là giải pháp tối ưu cho hoạt động kinh doanh của DNKN. [135][147][153]
Thang đo mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ sinh thái
Mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp là mối quan hệ giữa các chủ thể khởi nghiệp khác nhau thông qua việc hình thành các cộng đồng thực hành hoặc các mạng lưới khởi nghiệp nhằm mục tiêu tạo điều kiện để cung cấp nền tảng pháp lý và hạ tầng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đồng thời tạo điều kiện liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thang đo này được mã hóa là CO được kế thừa từ Ries (2011); Graham (2012); Iansiti và Levien (2004); Cohen và cộng sự (2000) và diễn giải thành 06 biến quan sát bao gồm: CO1: DNKN được hỗ trợ kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu,… trong cả nước; CO2: DNKN được tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; CO3: DNKN được hỗ trợ thông tin truyền thông, xúc tiến thương mại đem lại hiệu quả cho quá trình hoạt động kinh doanh; CO4: DNKN được hỗ trợ kết nối mạng lưới khởi nghiệp (đối tác, khách hàng, người hướng dẫn, người cố vấn,…); CO5: DNKN được hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ và CO6: DNKN được tham gia kết nối với các cơ quan Nhà nước quản lý hoạt động khởi nghiệp. [92][101][108][115]
Thang đo môi trường kinh doanh
Môi trường kinh doanh là tổng thể các yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DNKN. Môi trường kinh doanh thuận lợi khi các DNKN nhận được sự ưu đãi, kích thích vào động cơ hoạt động, định hướng hoạt động nhằm phát triển các hoạt động khởi nghiệp mang lại các lợi ích kinh tế chung cho bản thân và cộng đồng.
Thang đo này được mã hóa là GO được kế thừa của Ihugba, Odii, & Njoku (2014); Oni & Daniya (2012); Shane (2009); Kumar và Liu (2005) [116][150][160]
cùng với quá trình trao đổi, thảo luận với nhóm chuyên gia được diễn giải thành 04 biến quan sát bao gồm: GO1: Hệ thống pháp luật được ban hành kịp thời và cập nhật nhằm hỗ trợ DNKN; GO2: Môi trường kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi và cạnh tranh công bằng; GO3: Hệ thống văn bản chính sách đầy đủ và rõ ràng nhằm hỗ trợ các DNKN; GO4: Chủ thể khởi nghiệp nhận thức đầy đủ về hệ thống pháp luật và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. [70][112][158]
Thang đo hoạt động khởi nghiệp
Hoạt động khởi nghiệp là một quá trình tìm kiếm, nắm bắt các cơ hội đầu tư, kinh doanh và huy động nguồn lực của cá nhân nhằm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh thông qua các hoạt động của bản thân.
Thang đo này được mã hóa là SU được kế thừa từ Ries (2011), Graham (2012); Hurley và Hult (1998) và diễn giải thành 04 biến quan sát bao gồm: SU1: Ngày càng nhiều doanh nghiệp với sản phẩm được cải tiến, đổi mới được thành lập; SU2: DNKN tham gia ngày càng nhiều hơn vào các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; SU3: Mối quan hệ của DNKN trong hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng được cải thiện; SU4: DNKN có hiệu quả kinh doanh ngày càng tốt hơn.